Tăng cường đối thoại, thu hẹp bất đồng trong thực thi quyền con người

Thứ sáu, 20/10/2023 16:39
(ĐCSVN) - Những năm qua, vấn đề bảo đảm quyền con người luôn được Việt Nam thực thi một cách đầy đủ, công bằng, công khai, minh bạch, được quốc tế công nhận. Đặc biệt là quá trình Việt Nam thực thi Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn với Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên: Đề nghị đồng chí đánh giá những nét khái quát nhất về kết quả thực thi Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) dưới góc độ bảo đảm cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam không phải chịu bất cứ hành động phân biệt chủng tộc nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an: Năm 1982 Việt Nam đã gia nhập “Công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc”, Công ước này quy định các thành viên của Công ước phải bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi thành viên bao gồm cả sự khác biệt về chủng tộc. Ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản địa mà chỉ có có các khái niệm phổ biến là dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số rất ít người. Những nội dung này đã được thể hiện rất rõ trong Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013; và tại các văn bản luật: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự…

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an

Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người với 3,6 triệu hộ. Địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, địa bàn chiếm tới ¾ diện tích quốc gia. Khác với nhiều quốc gia đa dân tộc, các dân tộc thiểu số Việt Nam không có khu vực lãnh thổ riêng, sống xen kẽ với nhau. Trình độ phát triển về KT - XH của các dân tộc thiểu số thường thấp hơn, khó khăn hơn so với dân tộc Kinh. Đây là một vấn đề do địa bàn cư trú và lịch sử để lại.

Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia lớn, dành ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được triển khai và đã đem lại thành quả to lớn, hiệu quả thiết thực như: Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở; Chương trình 135 phát triển KT - XH cho các xã đặc biệt khó khăn, cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; Chương trình KT - XH thực hiện Nghị quyết 30a thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho 62 huyện nghèo trong toàn quốc…  Nhờ những chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt. Tổng kinh phí cho các chính sách về đất ở và đất sản xuất vùng dân tộc thiểu số là hơn 6.668 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ nhà ở đã hỗ trợ nhà ở cho gần 300.000 hộ là người dân tộc thiểu số giúp họ an cư để sinh sống và làm việc. Tỷ lệ nhà ở của hộ dân tộc thiểu số tăng từ 95,7% năm 2015 lên 99,1% năm 2019. Tỷ lệ đất ở của hộ dân tộc thiểu số tăng từ 97,26% năm 2015 đến 99,1% năm 2019. Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số trong ba nhiệm kỳ Quốc Hội gần đây. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,84% Quốc hội khóa XV cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng số dân là 14,68%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 17,09%, cấp huyện là 18,23%, cấp xã là 20,55%. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội, coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Điều 5 Hiến pháp 2013: “1. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

 

Phóng viên: Cụ thể hơn, trong Công ước CERD đã đưa ra cam kết để các nước thành viên thực hiện, trong đó có việc bảo đảm các quyền được đối xử bình đẳng trước tòa án và các cơ quan tư pháp khác; quyền an ninh cá nhân và bất khả xâm phạm thân thể. Ngành Công an là một trong những chủ thể chính thiết lập và bảo đảm các quyền này được thực thi một cách đầy đủ. Vậy đề nghị đồng chí đánh giá việc thực hiện các quyền này ở Việt Nam như nhế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ: Đồng bào dân tộc thiểu số là các công dân Việt Nam, được hưởng quyền của “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, được hưởng đầy đủ các quyền theo luật định. Quy định này thể hiện rõ quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các dân tộc thiểu số. Khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành các đạo luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo, quyền con người, quyền công dân.

Do tập tục và truyền thống lâu đời nên người dân tộc thiểu số thường tập trung ở những vùng rừng núi, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nam Bộ nên việc xét xử người dân tộc thiểu số phạm tội cũng thường tập trung ở các Toà án tại các địa phương trên, đối với các vùng còn lại, việc các Toà án xét xử người dân tộc thiểu số phạm tội là rất ít, song trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng và xét xử của Toà án trong thời gian qua đã bảo đảm đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ người dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số khi tham gia vào hoạt động tố tụng luôn được bảo đảm về sự bình đẳng, được sử dụng ngôn ngữ và chữa viết của dân tộc mình thông qua các phiên dịch, Các cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ tuyệt đối áp dụng các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ người dân tộc thiểu số. Triển khai cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án theo quy định. Trên cơ sở quy định của pháp luật, các cơ quan thi hành án hình sự đã tổ chức thực hiện hiệu quả việc bảo đảm các quyền con người của phạm nhân như chế độ: ăn, ở, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hoá, được sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo, được cung cấp thông tin về thời sự, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hoá; các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí đối với người dân tộc thiểu số để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ bằng các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Phóng viên: Theo đồng chí, từ thực tiễn ở Việt Nam và đối chiếu, so sánh với cùng vấn đề này ở các nước trên thế giới, thì Việt Nam có những ưu điểm gì và có những vấn đề gì cần phải tiếp tục hoàn thiện nhằm bảo đảo thực thi quyền bình đẳng, cũng như quyền không phải chịu bất cứ hành động phân biệt đối xử nào đối với người dân tộc thiểu số?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ: Đối với Việt Nam, từ khi giành được độc lập năm 1945, Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề dân tộc. Đường lối xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề này là bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Trong suốt các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Nhà nước vẫn ưu tiên hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển về mọi mặt. Đặc biệt, từ khi gia nhập Công ước CERD, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Dưới góc độ lập hiến và lập pháp, về cơ bản, các quyền con người trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế  đã được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam. Luật tố tụng hình sự cũng đã có những quy định cụ thể trong việc bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số, song thực tế hiện nay vấn đề này cũng đã nảy sinh những vướng mắc khi vận dụng và áp dụng pháp luật giải quyết các vấn đề về tố tụng hình sự liên quan đến người dân tộc thiểu số, đó là sự nhận thức về pháp luật còn hạn chế và không đồng đều trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, cũng như sự tồn tại song song giữa pháp luật của Nhà nước và các luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, bên cạnh những quy định bảo đảm quyền con người nói chung còn có những điều luật quy định đặc thù và các chính sách cụ thể và tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với cơ quan tư pháp và sự giám sát của đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong thực thi pháp luật ở vùng dân tộc. 

Phóng viên: Thời gian qua, những thành tựu của nước ta trong việc tôn trọng, đảm bảo và thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số là rất rõ nét và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn tìm cách xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền hòng kích động, gây chia rẽ, làm suy giảm vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế. Vậy Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để ngăn chặn việc này?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ: Trước hết, bảo đảm quyền của các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Duyên hải miền Trung.

Các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp trong công tác nắm tình hình về hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch  chống phá Việt Nam để có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Xây dựng và thúc đẩy đối thoại trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền có ý nghĩa tích cực, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng với các đối tác quốc tế trong vấn đề quyền con người. Qua đối thoại cũng nhằm bác bỏ những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các nhóm, cá nhân cực đoan trong và ngoài nước về tình hình quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Mở rộng quan hệ quốc tế trong nghiên cứu và thực thi quyền của người dân tộc thiểu số.

Phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng các tuyến bài viết tuyên truyền đối nội, đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam, giới thiệu ra thế giới những thành quả trong hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam - những minh chứng sinh động, thuyết phục bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Phóng viên: Dưới góc độ cơ quan chuyên môn và cơ quan tham mưu, đề nghị đồng chí cho biết Cục Đối ngoại (Bộ Công an) đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp gì trong quá trình  thực thi Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) tại Việt Nam?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ: Trong nhiều năm qua, Cục Đối ngoại đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan:

- Nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; cung cấp văn bản pháp luật về quyền con người, các Công ước quốc tế về quyền con người tới cán bộ làm công tác nhân quyền, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.

- Xây dựng các bộ tài liệu thể hiện quan điểm, đường lối, chính sách ưu việt của Việt Nam trong đảm bảo các quyền cơ bản của công dân cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về thành tựu bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số; xây dựng lập luận, đấu tranh phản bác trên các diễn đàn song phương, đa phương về các vụ việc liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Từ năm 2019 đến nay, Cục Đối ngoại đã phối hợp với các đơn vị xây dựng lập luận, trả lời hơn 100 kháng thư của các Cơ chế Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó rất nhiều kháng thư liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống góp phần giảm thiểu những đánh giá tiêu cực của các cơ chế nhân quyền Liên Hợp quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Tổ chức cho các phóng viên báo chí nước ngoài cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện Tổng lãnh sự quán, Đại sứ quán, thậm chí các cá nhân quan tâm tới vấn đề nhân quyền tới những vùng có đồng bào dân tộc cư trú, sinh sống, cho họ tới cả những địa điểm xảy ra vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo để họ tận mắt chứng kiến những vấn đề họ quan tâm.

Thời gian tới, Cục Đối ngoại tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy Ban Dân tộc trong chuẩn bị và tham gia Bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD tại Hội đồng Nhân quyền tháng 11/2023. Đây là công tác quan trọng, thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trong quá trình tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người, thể hiện hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng đã trả lời phỏng vấn !

Trí Dũng (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực