Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 gồm 11 huyện miền núi và 04 huyện giáp ranh có xã, thị trấn miền núi và 02 huyện, thị xã có thôn miền núi với 174 xã, 1.551 thôn bản, khu phố. Tổng số dân gần 01 triệu người, với 07 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú.
Vùng DTTS&MN Thanh Hóa hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn 3 lần tỷ lệ nghèo bình quân chung toàn tỉnh; riêng huyện Mường Lát, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, lần lượt là 37,53% và 31,95%. Một số vấn đề xã hội như bất bình đẳng giới, bạo lực trong hôn nhân và gia đình; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT)... vẫn còn tồn tại.
|
Truyền thông phòng chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá |
Ông Cầm Bá Tường - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá cho biết, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở, trực tiếp là Ban chỉ đạo thực hiện Đề án (Thành phần Ban chỉ đạo cấp huyện gồm: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực là Trưởng phòng Dân tộc, thành viên là đại diện các ngành: Giáo dục, Y tế, Tư pháp, Tòa án, Trung tâm Văn hoá Thể thao, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện Đoàn… Thành phần Ban Chỉ đạo cấp xã nơi thực hiện mô hình gồm: 01 đ/c Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; các thành viên là đại diện của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, công chức Tư pháp, Dân tộc) đã có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên liên tục, gắn chỉ đạo với tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật trong nhân dân và kiểm tra giám sát việc thực hiện.
Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù Trung ương không phân bổ kinh phí, nhưng tỉnh đã dành một nguồn kinh phí để thực hiện Đề án. Nhờ đó, các cấp, các ngành đã có điều kiện tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, HNCHT với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, mở chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, trang thông tin điện tử; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi Rung chuông vàng trong trường phổ thông tại các huyện Như Thanh, Quan Hóa; thi “Thiếu nữ các DTTS với vấn đề tảo hôn và HNCHT” ở huyện Như Thanh; xây dựng các mô hình điểm để tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu tảo hôn và HNCHT; cấp phát pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp đến tận xã và thôn bản để tuyên truyền trong nhân dân.
Thông qua các hoạt động đó, tỷ lệ tảo hôn trên toàn vùng miền núi của tỉnh đã giảm đáng kể, từ 4,12% năm 2016 xuống còn 0,91% năm 2020. Các huyện không còn tảo hôn là: Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Thanh. Các huyện có tỷ lệ tảo hôn thấp gồm: Quan Sơn 3,98%, Quan Hóa 4,94%, Ngọc Lặc 3,93%; Lang Chánh 0,54%, Như Xuân 1,03%; Thường Xuân 0,83%. Đặc biệt, hầu như không còn HNCHT, trong hơn 2 năm qua chỉ có 01 cặp tại huyện Mường Lát, chiếm tỷ lệ 0,007%.
Tuy nhiên, theo ông Cầm Bá Tường, trong xu thế bùng nổ thông tin đa chiều tốt - xấu đan xen lẫn lộn; một số thanh, thiếu niên đi làm ăn xa, một số khác đi học tập trung... trong điều kiện tiếp xúc, gần gũi thường xuyên dễ dẫn đến tảo hôn lại có xu hướng tăng cao. Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2021, có 14.700 cặp kết hôn thì có 325 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ khoảng 2,21%, trong đó 163 cặp đã bị xử lý vi phạm. Tại huyện Mường Lát, tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao (15,58%; có 969 cặp kết hôn thì có 151 cặp tảo hôn, trong đó 93 cặp đã bị xử lý vi phạm).
Để giảm đến mức thấp nhất, dần xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS, tỉnh Thanh Hóa xác định trong giai đoạn 2021 - 2025, thông qua nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhằm làm thay đổi cho được hành vi về tảo hôn và HNCHT của đồng bào. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, như mở các hội nghị tuyên truyền cho đồng bào, nhất là đồng bào ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn và nhóm các DTTS còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hội thi, sân khấu hóa; hoạt động hòa giải tại cộng đồng; các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể và thôn bản; các hoạt động ngoại khóa trong trường học; sinh hoạt của các câu lạc bộ, tổ nhóm …
Bên cạnh đó, tiến hành biên soạn, cấp phát tài liệu, sản phẩm truyền thông như: tờ rơi, tờ gấp, áp phích, sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề tảo hôn, HNCHT đến cơ sở và thôn bản để tuyên truyền trong nhân dân.
UBND các huyện, xã thuộc phạm vi Đề án duy trì và nhân rộng các mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và HNCHT”. Đồng thời phát huy sự tham gia tích cực của các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, người có uy tín cùng với sự đồng tình hưởng ứng của toàn thể nhân dân thông qua việc phát hiện, tố giác với chính quyền, Công an, Tư pháp xã khi trong địa bàn có trường hợp tảo hôn/HNCHT để áp dụng các biện pháp hành chính, răn đe, ngăn chặn kịp thời. Vận động các gia đình cam kết với thôn/bản/khu phố không cho con kết hôn trước tuổi./.