Vai trò quan trọng của công tác dân tộc trong xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Thứ sáu, 08/09/2023 20:50
(ĐCSVN) - Đường lối của Đảng, Nhà nước và thực tiễn sinh động ở Việt Nam đã chứng minh vai trò quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bảo đảm nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 

Vị trí, vai trò của vùng dân tộc thiểu số và miền núi và vấn đề dân tộc trong sự nghiệp cách mạng

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) nước ta thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố, 362 huyện, 3.434 xã, phân bố chủ yếu ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung; chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Trung Sơn (Thanh Hóa), Hàm Thuận-Đa Mi (Bình Thuận), Yaly (Gia Lai), Ba Hạ (Phú Yên)… vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng…

Với những đặc điểm đó, vùng DTTS&MN là khu vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta"...

Việc xác định “vị trí chiến lược lâu dài” của vấn đề dân tộc xuất phát từ chính đặc điểm của cộng đồng dân tộc ở nước ta. Việt Nam có 53 DTTS. Đến cuối năm 2022, dân số DTTS có 14,3 triệu người, 3,4 triệu hộ, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đa số đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng ở các khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số người DTTS cao nhất (khoảng 7 triệu người), tiếp đến là khu vực Tây Nguyên (khoảng 2,2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,1 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,3 triệu người); số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong 51 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS sinh sống có 01 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm trên 90% dân số; 07 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 70% - 90% dân số; 04 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 50% - 70% dân số; 05 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 30% - 50% dân số; 12 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 10% - 30% dân số; 22 tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm dưới 10% dân số.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Chính sách dân tộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm DTTS có điều kiện phát triển bình đẳng

Sinh thời, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi (01/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, Nhà nước đã ban hành và đảm bảo thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV, tháng 6/2023 - PV) rằng: công tác dân tộc được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

 Phát biểu trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam (Ảnh QH)

Những chính sách dân tộc được thực hiện trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm DTTS có điều kiện phát triển bình đẳng. Trên thực tế, vùng DTTS&MN đã có bước phát triển vượt bậc.

Theo báo cáo của 51 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh đạt khá cao. Các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,4%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,3%/năm. Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao như: cà phê, chè, cao su, điều, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm từ gỗ... đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước.

Về cơ sở hạ tầng thiết yếu, hiện nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ và vừa đã đáp ứng một phần nhu cầu phát triển sản xuất của người dân (bình quân đạt khoảng 23,4%).

Về sinh kế và điều kiện sống của đồng bào các DTTS: tỷ trọng lao động có việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 72,3%, cao gần gấp đôi bình quân chung cả nước (44%). 20/53 dân tộc có chỉ tiêu này cao trên 95% như: Brâu, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Mnông, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, La Hủ, Mảng, Rơ Măm… Thu nhập bình quân của các DTTS khoảng 1,1 triệu/người/tháng, gần bằng ½ so với mức bình quân chung của cả nước.

Giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN đạt nhiều kết quả tích cực, bình quân tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 ở 74 huyện nghèo giảm xuống còn 38,62%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 2-3%/năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của vùng DTTS&MN cả nước là 18%, cận nghèo là 10%. Điều kiện sống của người dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ DTTS có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 86,4%; 89,6% người DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 59,6%...

Nhiều giá trị, di sản văn hoá của các DTTS được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn hoá quốc gia và của nhân loại. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, tính đến năm 2018, có 134 di sản văn hoá phi vật thể của các DTTS/288 di sản văn hoá phi vật thể của cả nước đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia; hỗ trợ bảo tồn được 85 lễ hội của đồng bào DTTS; 32 làng, bản, buôn của 25 dân tộc.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN cơ bản được duy trì ổn định. Công tác nắm tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động luôn được chú trọng.

Và cảm nhận của những người trong cuộc...

Để nói về sự đổi thay trong cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống nhờ chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thì không ai khác chính đồng bào DTTS trên khắp mọi miền đất nước là những nhân chứng chính xác nhất.

Bản làng đổi mới của người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị  

Ông Giàng Minh Phong, dân tộc Mông, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, nơi ông sinh sống thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, cách trung tâm xã 15 km.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con trong thôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia từ cuối năm 2011. Các chính sách dân tộc đã khuyến khích đồng bào tích cực sản xuất, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao nên đời sống nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ trong thôn đã mua được xe máy và các đồ dùng sinh hoạt khác như ti vi, tủ lạnh phục vụ sinh hoạt. Trong thôn không có ai mắc tệ nạn xã hội, không có đơn thư vượt cấp, không ai vi phạm pháp luật, đồng bào tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.

Đại diện cho người Cơ Tu ở làng A Banh 2, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được tái định cư ở nơi ở mới, ông Riah Nứa cho biết, từ bao năm nay, đồng bào mơ ước xây được những căn nhà mới ở nơi cao ráo để không còn phải lo sợ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa bão đến. Nay bà con được Nhà nước hỗ trợ cho chọn đất, xây nhà kiên cố phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Nơi làng mới, các thiết chế trường học, công trình cấp nước sinh hoạt, đường giao thông được xây dựng mới, bà con lại còn được bố trí đất sản xuất nên ai cũng vui mừng, phấn khởi

Chị K’Lanh, người Ê-đê, công nhân Tambang CoffeeFarm ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai tâm sự, nhờ chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển sản xuất cây cà phê mà nhiều người DTTS ở Tây Nguyên đã tìm được việc làm trong các hợp tác xã, doanh nghiệp, được trả lương hằng tháng để nuôi sống bản thân và trang trải các nhu cầu khác của cuộc sống.

Từ miền Tây Nam bộ, chị Thạch Thị Sa Rây, người Khmer ở xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, bà con giờ ai cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh vì internet phủ sóng khắp nơi, đường giao thông nông thôn rộng rãi, có điện chiếu sáng, diện mạo nông thôn khang trang, cuộc sống hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn.

Đường lối của Đảng, Nhà nước và thực tiễn sinh động ở Việt Nam đã chứng minh vai trò quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bảo đảm nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

Thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS&MN cùng với nhận xét của những người trong cuộc chính là những chứng cứ xác đáng nhất để phản bác luận điệu cho rằng Việt Nam phân biệt đối xử với các DTTS, khiến những luận điệu này thực sự lộ diện bản chất sai trái, phản động, quy chụp, lố bịch và phi thực tế ở Việt Nam.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực