Việt Nam bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho người dân tộc thiểu số

Thứ năm, 05/10/2023 16:42
(ĐCSVN) - Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của công dân, trong đó có người dân tộc thiểu số là một mục tiêu cơ bản của Đảng và Nhà nước ta. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam đã đề ra một trong các nhiệm vụ đột phá là “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Điều 39, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Khoản 3 Điều 61 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề”.

Việt Nam luôn ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

Thể chế hoá các quy định của Hiến pháp, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta có bước tiến vượt bậc. Theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện lần thứ II năm 2019, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 96,9%; cấp trung học cơ sở là 81,6%; cấp trung học phổ thông là 47%. Đặc biệt, Việt Nam đã có chính sách phát triển mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).

Trường PTDTNT là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trường PTDTNT có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng  DTTS&MN.

Trường PTDTBT, tiền thân là mô hình trường nội trú dân nuôi đã hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trường PTDTBT được chính thức công nhận từ khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 15 tháng 12 năm 2009 và hiện nay là Luật Giáo dục năm 2019.

 Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai

Theo số liệu của Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến hết năm học 2019 - 2020, toàn quốc có 325 trường PTDTNT ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 105.818 học sinh; 1.124 trường PTDTBT với 237.608 học sinh. Các trường PTDTNT từng bước khẳng định vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, MN. Các trường PTDTBT khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Những năm qua, thực hiện Đề án củng cố, phát triển các trường PTDTNT, các tỉnh, thành phố đã nâng cấp được 935 phòng học thông thường và bộ môn; 631 phòng phục vụ học tập, giáo dục; 2.875 phòng nội trú, 219 công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh…

Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT được nâng lên qua từng năm học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt trên 97%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 90%. Trong số 6.000 học sinh các trường PTDTNT tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, trên 50% đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 30% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.

Bà Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, giáo dục dân tộc hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông…

Bà Linh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đổi mới giáo dục dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình đổi mới giáo dục quốc gia. Đổi mới giáo dục đòi hỏi phải tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước gắn với đẩy mạnh phát triển giáo dục mũi nhọn, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19, bất bình đẳng trong giáo dục có xu hướng gia tăng. 

Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo Chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. Tầm nhìn đến năm 2045, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

 Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra một trong các nhiệm vụ đột phá là “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Theo đó, đối với giáo dục dân tộc, cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu là: “Rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng củng cố và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương”.

Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã có Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT và trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Tiểu dự án này, sẽ thực hiện các nội dung: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú. Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác; Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh dân tộc thiểu số; Ưu tiên đầu tư xây dựng trường dân tộc nội trú cho huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa có hoặc phải đi thuê địa điểm để tổ chức hoạt động.

Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1 là hơn 8.480 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần là 8.351,8 tỷ đồng, phù hợp với yêu cầu được đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về giáo dục toàn cầu là các quốc gia đảm bảo, tăng cường nguồn tài chính công cho giáo dục./.

Hoàng Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực