Trên tinh thần quy định này trong Công ước, Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định tại Điều 20 như sau: (1). Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. (2). Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. (3). Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.
|
Người dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hưởng đầy đủ quyền, cơ chế đảm bảo các quyền tự do và an ninh thân thể theo quy định của pháp luật quốc gia (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể hoá quy định của Điều 20 Hiến pháp 2013, Điều 33 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể như sau: (1). Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. (2). Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. (3). Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện. Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (4). Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có sự đồng ý của người đó trước khi chết; b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết; c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.
Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tại Điều 10. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người.
Điều 373, Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định cụ thể về tội dùng nhục hình, tội bức cung. Theo quy định tại khoản 1 Điều 373, người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khoản 1 Điều 374 thì người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về việc cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 4 và Điều 8).
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định các nguyên tắc: nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).
Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành Chương XIV quy định về các tội danh xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của con người như: tội giết người (Điều 123), tội vô ý làm chết người (Điều 128), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136).
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 14)...
Quyền tự do an ninh cá nhân là quyền dân sự khá rộng và được đảm bảo thực hiện bởi rất nhiều đạo luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và một số văn bản khác.
Để tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, Nhà nước quy định chỉ trong trường hợp phạm tội quả tang thì công dân mới bị bắt. Trong các trường hợp khác nếu muốn bắt giữ một người chỉ khi có quyết định của Tòa án hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Khi tiến hành bắt và giam giữ một ai đó thì phải tuân theo những quy trình đã được pháp luật quy định, làm trái hay thiếu sót một trình tự thì việc bắt và giam giữ người ấy sẽ là hành vi trái pháp luật và nếu dẫn tới hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý về hình sự.
Đối với quyền sống - một quyền tự nhiên, tất yếu, vốn có của con người; là quyền quan trọng nhất đối với mỗi người, là cơ sở cho tất cả các quyền con người, tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai được tước đoạt tính mạng trái luật”.
Trong pháp luật hình sự, quyền này được thể hiện rõ nhất thông qua việc quy định về hình phạt tử hình. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội như: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Giết người (Điều 123); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Chống loài người (Điều 422); Tội phạm chiến tranh (Điều 423); Phản bội Tổ quốc (Điều 108); Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Bạo loạn (Điều 112); Gián điệp (Điều 110); Khủng bố (Điều 299); Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250).
Các quy định tại các Bộ luật liên quan cho thấy cơ chế đảm bảo các quyền tự do và an ninh thân thể đối với con người đã được Nhà nước Việt Nam xây dựng khá đầy đủ và hoàn chỉnh, tạo thành một hệ thống các quy phạm pháp luật áp dụng trên diện rộng, hướng tới mục tiêu bảo vệ các giá trị con người. Nhà nước Việt Nam chủ trương bảo vệ quyền con người, song cũng sẵn sàng nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh cho toàn xã hội, vì lợi ích của mỗi người dân.
Người dân tộc thiểu số là công dân của nước Việt Nam thì cũng được hưởng đầy đủ các quyền, cơ chế đảm bảo các quyền tự do và an ninh thân thể theo quy định của pháp luật quốc gia./.