Việt Nam không phân biệt đối xử với lao động người dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 13/10/2023 16:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thái Hưng - Chuyên gia tư vấn độc lập giàu kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam xung quanh quyền có việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân để tạo cơ hội việc làm cho người dân tộc thiểu số.

Phóng viên: Quyền có việc làm là một trong những quyền căn bản của con người, trong đó có người dân tộc thiểu số. Ông đánh giá thế nào về các quy định của pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo, thúc đẩy quyền có việc làm cho người dân tộc thiểu số?

Chuyên gia Phạm Thái Hưng: Bộ luật Lao động và các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam nghiêm cấm các biện pháp phân biệt đối xử (Điều 8, khoản 1). Trong đó phân biệt đối xử được hiểu là “hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp” (Điều 3, khoản 8).

Chuyên gia tư vấn độc lập Phạm Thái Hưng (Ảnh: Phương Liên)

Các chính sách hiện hành có nhiều biện pháp để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS). Ví dụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 có Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng DTTS&MN với tổng số vốn là hơn 12.620 tỷ đồng (cho giai đoạn 1, 2021 - 2025). Trong CTMTQG giảm nghèo bền vững có Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững tại vùng nghèo, vùng khó khăn với tổng vốn hơn 18.480 tỷ đồng. Đây là hai chính sách đang trong quá trình triển khai và có ý nghĩa quan trọng đối với dạy nghề, tạo việc làm cho lao động DTTS.

Ngoài 2 CTMTQG thì Việt Nam còn có nhiều chính sách khác hỗ trợ lao động DTTS trong tiếp cận với các cơ hội học tập, nâng cao trình độ, đào tạo nghề… Nhiều chính sách có đối tượng hỗ trợ bao phủ tất cả các đối tượng người lao động  nhưng riêng đối với lao động là người DTTS thì có mức hỗ trợ cao hơn về chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại, tiền thuê nhà… Bên cạnh chính sách từ Trung ương, nhiều tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao cũng ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động người DTTS.

Như vậy, về nguyên tắc, hệ thống pháp luật của Việt Nam không phân biệt đối xử, tạo nền tảng pháp lý bình đẳng cho tất cả lao động, trong đó có lao động người DTTS. Song với điều kiện lao động vùng DTTS&MN thường hạn chế hơn về cơ hội tiếp cận với dạy nghề, nên Việt Nam cần có nhiều chính sách cụ thể hơn nữa để nâng cao khả năng có việc làm cho lao động DTTS.

Phóng viên: Khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là động lực quan trọng trong việc đảm bảo, thúc đẩy quyền có việc làm của người dân tộc thiểu số. Ông có suy nghĩ và đánh giá như thế nào về kết quả tham gia thúc đẩy quyền có việc làm cho người dân tộc thiểu số ở khu vực kinh tế tư nhân?

Chuyên gia Phạm Thái Hưng: Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Theo số liệu từ một số tỉnh vùng Tây Bắc - nơi có tỷ lệ dân số là DTTS và tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước thì đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân chiếm ít nhất 35% tổng đầu tư toàn xã hội (đầu tư từ hộ gia đình, dân cư là khoảng 35% và đầu tư từ nguồn ngân sách là khoảng 30%).

Việc làm chính thức trong khu vực tư nhân đã dần trở thành một nguồn thu nhập quan trọng nhất của các hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS&MN. Theo số liệu từ Điều tra kinh tế xã hội 53 DTTS mới nhất thì tiền lương đóng góp khoảng 45% tổng thu nhập trung bình của hộ gia đình DTTS, cao hơn cả tỷ trọng đóng góp của thu nhập từ nông nghiệp.

Sản xuất quế tại Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (tỉnh Yên Bái) 

Những năm gần đây, ngay cả ở những xã vùng sâu, vùng xa, rất khó khăn trong tiếp cận giao thông thì vẫn không khó để thấy các bảng, băng-rôn tuyển lao động của các doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đóng góp quan trọng về thu nhập, lao động DTTS làm việc trong các doanh nghiệp tại các khu đô thị cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bối cảnh kinh tế - xã hội vùng đô thị mà nếu họ tiếp tục lao động trong nông nghiệp tại địa bàn sinh sống thì sẽ không có điều kiện tiếp cận được. Những trải nghiệm ở môi trường đô thị, những bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng thích ứng, đáp ứng của lao động DTTS với yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, vẫn còn những khía cạnh cần và có thể cải thiện để tăng khả năng tiếp cận của lao động DTTS với các cơ hội việc làm.

Thứ nhất, theo số liệu từ Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS mới nhất (năm 2019) thì có đến 89,7% lao động DTTS không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Chính vì vậy, lao động DTTS thường có việc làm trong những công việc lao động đơn giản, có mức tiền lương thấp. Rất nhiều lao động DTTS có việc làm trong khu vực không chính thức, có nhiều rủi ro về quyền lợi, điều kiện an toàn lao động. Thứ hai, việc phải di cư để làm việc tại các khu vực đô thị cũng là một thách thức đối với lao động DTTS do chi phí sinh hoạt cao, không quen thuộc với yếu tố văn hóa, hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công cộng tại điểm đến, nhất là với những lao động trong khu vực phi chính thức.

Một số học giả dựa trên những nghiên cứu định tính cũng cho thấy người sử dụng lao động còn có những định kiến, quan niệm không tích cực về lao động DTTS. Đây là những vấn đề cần tiếp tục cải thiện để tạo việc làm bền vững cho lao động DTTS trong thời gian tới.

Phóng viên: Là một chuyên gia tư vấn độc lập, giàu kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế, ông có những khuyến nghị gì trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển để góp phần đảm bảo quyền có việc làm của người dân tộc thiểu số Việt Nam?

Chuyên gia Phạm Thái Hưng: Với góc độ là chuyên gia tư vấn độc lập về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, tôi đã có điều kiện trình bày một số khuyến nghị tại Diễn đàn Điều phối về phát triển khu vực tư nhân tạo cơ hội cho đồng bào DTTS do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Uỷ ban Dân tộc đồng tổ chức ngày 22 - 23/6/2023 vừa qua tại tỉnh Yên Bái.

Chuyên gia tư vấn độc lập Phạm Thái Hưng thuyết trình tại Diễn đàn Điều phối về phát triển khu vực tư nhân tạo cơ hội cho đồng bào DTTS do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Uỷ ban Dân tộc đồng tổ chức ngày 22-23/6/2023 tại tỉnh Yên Bái  (Ảnh: Phương Liên)

Theo đó, có thể nhắc đến ba giải pháp quan trọng sau đây:

Thứ nhất, có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển khu vực tư nhân tại vùng nông thôn, vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS&MN, ví dụ như Nghị định 57/2018/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Nhưng thực hiện ở vùng DTTS&MN còn nhiều hạn chế do sự phức tạp về thủ tục hồ sơ, nhất là nghiệm thu thanh quyết toán. Các chính sách hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân tại vùng DTTS&MN cần được đơn giản hóa về thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận mà không phát sinh nhiều thời gian và chi phí không chính thức.

Thứ hai, quyết tâm thu hút đầu tư tư nhân là một định hướng rõ ràng của các cấp chính quyền địa phương. Nhưng các địa phương thường có xu hướng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, với kỳ vọng tạo ra những thay đổi mang tính “bước ngoặt”, “đột phá”. Chính vì vậy, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư thường hướng đến những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực về tài chính… mà ít chú ý đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương - là những doanh nghiệp “nội sinh” trong những lĩnh vực có lợi thế của địa phương. Đây là một sự thiếu cân bằng, thậm chí là sai lầm trong chính sách khuyến khích đầu tư.

Thứ ba, đầu tư công cần phải có tác dụng “dẫn hướng” cho đầu tư tư nhân. Theo đó, đầu tư công cần được ưu tiên cho những công trình cơ sở hạ tầng có ý nghĩa kết nối, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực mà địa phương có lợi thế so sánh. Muốn như vậy, việc xác định ưu tiên đầu tư công trung hạn cần phải tính đến khả năng “dẫn hướng” của đầu tư công, tập trung vào những khoản đầu tư có ý nghĩa thúc đẩy đầu tư vào những ngành hàng mà địa phương có lợi thế so sánh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo công ăn việc làm cho lao động DTTS.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Phương Liên (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực