Việt Nam nỗ lực phòng chống mua bán người

Thứ ba, 03/10/2023 07:46
(ĐCSVN) - Việt Nam đã thể hiện sự tích cực trong hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.

Ngày 3/8, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Mèo Vạc đã truy bắt thành công đối tượng Sùng Mí Sử, sinh năm 1979, trú tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. Sùng Mí Sử là đối tượng cuối cùng trong vụ án mua bán người dưới 16 tuổi xảy ra từ năm 2009.

Trước đó, ngày 12/7/2023, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận đơn tố giác của chị L.T.C (sinh năm 1993) trú tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc về việc: Vào tháng 1/2009, chị và 3 chị em khác cùng xã bị các đối tượng trên địa bàn bán sang Trung Quốc làm vợ.

Riêng chị L.T.C đã được một người Trung Quốc mua về làm vợ với giá 60.000 Nhân dân tệ. Từ khi lấy chồng đến nay, qua quá trình chung sống chị đã sinh được 2 con với người chồng. Đầu năm 2023, Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra, do chị L.T.C không có giấy tờ tuỳ thân nên bị trục xuất về nước, 3 bị hại đi cùng chị những năm tháng trước vẫn đang ở bên kia biên giới.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng: Lầu Mí Chứ (sinh năm 1979), Ly Mí Pó (sinh năm 1978) cùng trú tại xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) và Sùng Mí Sử (trú tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc) để điều tra. Riêng đối tượng Sùng Mí Sử đã nhanh chân chạy trốn khỏi địa bàn. Đây là đối tượng có 2 tiền án về tội giết người và tội chứa chấp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Sau hành trình nhiều ngày đêm lần theo dấu vết tội phạm và với quyết tâm không để đối tượng phạm tội trốn thoát, bằng sự mưu trí, dũng cảm, cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với Công an huyện Mèo Vạc, Công an huyện Đồng Văn và Đồn Biên phòng Xín Cái đã truy bắt thành công đối tượng Sùng Mí Sử khi đang lẩn trốn trong hang đá trên núi cao thuộc thôn Khai Hoang, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc.

Từ vụ việc trên cho thấy các lực lượng chức năng đã chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống mua bán người, cho dù vụ án đó xảy ra cách đây đã 14 năm về trước.

Đối tượng Sử bị bắt giữ  (Ảnh Nguyễn Lân)

Từ năm 2011, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật này quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012 - 2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...

Các đối tượng mua bán người lợi dụng khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân; lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh của Nhà nước…, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.

Giai đoạn 2018 - 2022, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 389 vụ/808 bị can. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về.

Giai đoạn từ năm 2012 - 2020, trung bình khởi tố 162 vụ/1 năm; giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình khởi tố 77,2 vụ/1 năm. 

Tại cuộc Hội thảo Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) tổ chức tháng 8/2023, Trưởng phái đoàn IOM, bà Park Mihyung đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Điều đó đã được ghi nhận trong Báo cáo Tình hình mua bán người trên thế giới 2023 (Báo cáo TIP) của Chính phủ Hoa Kỳ.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội: "Không một cơ quan, quốc gia riêng lẻ nào có thể thực hiện công tác phòng, chống mua bán người hiệu quả mà không có sự hợp tác quốc tế".

Việt Nam đã thể hiện sự tích cực trong hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…

Đại tá Phạm Long Biên, Cục phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho hay: “Theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, tỉ lệ nạn nhân là nam giới so với trước đây đã tăng, hay mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động (38%) cao hơn bóc lột tình dục (28,7%). Hiện nay, nạn nhân cũng có thể là người có trình độ học vấn cao. Điều này cho thấy, xu thế mua bán người đang dịch chuyển và đòi hỏi định hướng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phù hợp, đúng đối tượng".

Trước tình hình trên, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề xuất với Quốc hội xem xét, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)...

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành tiếp tục thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh biên giới.

“Tôi đặc biệt khuyến nghị cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm được thực hiện hiệu quả hơn nữa. Chúng ta cần đặt nạn nhân bị mua bán ở vị trí trung tâm trong xây dựng chính sách và các kế hoạch hành động. Chỉ khi chúng ta lắng nghe câu chuyện và trải nghiệm của các nạn nhân, chúng ta mới có thể điều chỉnh được các chính sách và củng cố hệ thống của mình, để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Park Mihyung kết luận./.

Xuân Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực