Việt Nam quan tâm hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số

Thứ tư, 13/09/2023 09:52
(ĐCSVN) - Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) ra đời từ năm 1965. Việt Nam tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và đã 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Hơn 40 năm qua, Việt Nam luôn quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật và các thiết chế bảo đảm, thúc đẩy quyền bình đẳng của người dân tộc thiểu số.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền con người là việc các chủ thể có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp về lập pháp, hành pháp, tư pháp, kinh tế, thể chế… để hiện thực hoá các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền con người trong hoạt động quản lý của nhà nước, trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, dân tộc.

Ngày 18/11/2019, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  giai đoạn 2021 - 2030

Nguyên tắc về quyền con người định ra những yêu cầu chung nhất chi phối mọi hoạt động trên lĩnh vực quyền con người, chẳng hạn như tính bất khả xâm phạm, bình đẳng và không phân biệt đối xử…

Tiêu chuẩn về quyền con người định ra những tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu trên từng lĩnh vực nhằm giúp mọi người đạt được cuộc sống trong nhân phẩm, danh dự, chẳng hạn như không bị bắt và bị giam vô cớ, không bị tra tấn, trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo; giáo dục tiểu học là phổ cập, miễn phí; quyền được tiếp cận với y tế công cộng, chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội…

Những nguyên tắc và tiêu chuẩn này được pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia công nhận. Theo Luật Nhân quyền quốc tế, Nhà nước có nghĩa vụ hàng đầu trong bảo đảm quyền con người. Nhà nước có nghĩa vụ phê chuẩn hoặc tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, thực hành dân chủ và áp dụng nguyên tắc pháp quyền trong quản lý xã hội nhằm làm cho mọi người được hưởng các quyền và tự do cơ bản mà không có sự phân biệt đối xử về chủng tộc, dân tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo

Việc đảm bảo đầy đủ quyền con người đòi hỏi nhà nước phải thực hiện 3 cấp độ nghĩa vụ: tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. Các nghĩa vụ này có quan hệ gắn bó, bổ sung cho nhau, được thừa nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

Ra đời từ năm 1965, Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người dân tộc thiểu số.

Việt Nam tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và đã 4 lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012.

Một trong các nội dung trong Báo cáo quốc gia là phải thể hiện được các kết quả trong xây dựng hệ thống pháp luật và các thiết chế bảo đảm, thúc đẩy quyền của người dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam.

Thứ nhất, ở góc độ nghĩa vụ tôn trọng

Nghĩa vụ này đòi hỏi Nhà nước phải có các hành động: Ghi nhận các quyền tự do cơ bản của con người trong hệ thống pháp luật quốc gia; Xây dựng những chuẩn mực cụ thể về quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội; Thường xuyên chú trọng nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân.

Thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, Nhà nước Việt Nam đã dành riêng Chương II với 36 điều trên tổng số 120 điều trong Hiến pháp 2013 - văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia để quy định trực tiếp, rõ ràng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bao gồm quyền của người DTTS tại Việt Nam.

Trong Hiến pháp 2013, có 6 Điều liên quan trực tiếp đến DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam, gồm: Điều 5, 42, 58, 61, 70 và 75.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp 2013, Việt Nam đã cụ thể hoá vào 98 bộ luật, luật với 290 điều khoản luật quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc - con số được cập nhật đến tháng 12/2022 trong Báo cáo của Uỷ ban Dân tộc.

Các điều khoản liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong  luật, bộ luật được ban hành đã tạo khung khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền của người DTTS. Xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội)

Bên cạnh đó, tại Điều 3. Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện và Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” đã ghi nhận nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người nói chung, quyền của người DTTS nói riêng đã được Hiến pháp quy định.

Thứ hai, ở nghĩa vụ bảo vệ

Vi phạm quyền con người có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhâm, huỷ hoại những giá trị tự do, bình đẳng và công lý, đe doạn đến sự phát triển bền vững của các quốc gia - dân tộc. Do vậy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã quy định nhiều biện pháp nhằm ngăn cấm, phòng ngừa, xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Chẳng hạn, Điều 16. Hiến pháp 2013 quy định: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Điều 20. “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

Điều 21. “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Điều 30. “1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

Những quy định trên nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự vi phạm quyền con người từ phía các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân; ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử, hoặc hình thành các thế lực đe doạn quyền con người trên các lĩnh vực; xử lý có hiệu quả những vi phạm về quyền con người; ngăn chặn, điều tra, trừng trị và phục hồi các quyền đã bị vi phạm hoặc bồi thường bất cứ khi nào có thể…

Thứ ba, nghĩa vụ thực hiện

Nếu chỉ dừng lại ở các điều luật thì chưa đủ đảm bảo quyền con người mà cần có những thiết chế hỗ trợ quá trình thực thi luật pháp. Bằng các biện pháp tích cực, chủ động, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng khung thể chế về tổ chức, bộ máy, con người nhằm làm cho luật pháp và các chuẩn mực về quyền con người được hiện thực hoá.

Trong tổ chức bộ máy nhà nước, Uỷ ban Dân tộc là một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban Dân tộc có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn như: Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội ban hành các chính sách dân tộc; tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam; ban hành chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; chính sách để đồng bào dân tộc thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình; chính sách đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng công tác giáo dục, đào tạo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Cũng liên quan đến nghĩa vụ thực hiện, Nhà nước Việt Nam còn có trách nhiệm tạo môi trường kinh tế thuận lợi, mang tính hỗ trợ cho việc tiếp cận nhiều quyền của các nhóm trong xã hội, nhất là những nhóm chịu thiệt thòi trong quá trình phát triển như người DTTS.

Về vấn đề này, không thể không nhắc đến một quyết định mang tính lịch sử, đó là Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) với số phiếu đồng thuận tuyệt đối 100% của các vị đại biểu Quốc hội có mặt.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết riêng về công tác dân tộc, là một bước cụ thể hóa nội dung đã được quy định tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013: "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước".

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Nghị quyết số 120 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định số 1719/QĐ-TTg có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân tộc, chính sách dân tộc những năm qua, đồng thời bổ sung những cơ chế, chính sách mới để đồng bào các DTTS có điều kiện phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững và Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực