Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “Huyện đảo không rác thải nhựa”

Thứ năm, 21/03/2024 11:21
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cơ quan quản lý tài nguyên môi trường các địa phương có biển có cơ hội cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học tập triển khai mô hình “Huyện đảo không rác thải nhựa” và tham quan thực tế các mô hình mà huyện Cô Tô đã và đang triển khai, từ đó nghiên cứu, cụ thể hóa thành các chính sách, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TL)

 Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), WWF Việt Nam vừa phối hợp với UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học tập, triển khai mô hình “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”.

Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (BHĐVN), ở bình diện quốc gia và quốc tế, ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đã trở thành một trong 3 thách thức toàn cầu lớn nhất về môi trường hiện nay. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động quyết liệt nhằm đóng góp vào nỗ lực chung để giải quyết các thách thức to lớn này, hướng đến một môi trường trong lành và phát triển bền vững. Các cam kết quốc tế đã được Việt Nam từng bước cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo cũng như về chính sách, pháp luật thời gian qua.

Ông Trương Đức Trí cũng cho biết, cuối tháng 4 tới đây, tại Ottawa (Canada), Đoàn Đàm phán của Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia vòng đàm phán lần thứ 4 cùng các quốc gia có biển để trao đổi, thảo luận, tiến tới thống nhất về một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Ở quy mô cấp địa phương, ông Trương Đức Trí mong rằng, thông qua Chương trình này, cơ quan quản lý tài nguyên môi trường (TNMT) các địa phương có biển, đặc biệt là đại biểu đến từ Cô Tô, Cồn Cỏ, Phú Quốc, Côn Đảo, có nhiều cơ hội để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học tập triển khai mô hình “Huyện đảo không rác thải nhựa” và tham quan thực tế các mô hình mà Cô Tô đã và đang triển khai, từ đó nghiên cứu, cụ thể hóa thành các chính sách, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên môi trường, trong đó có rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng, thông qua việc tái chế, tái sử dụng, đa dạng hóa các sản phẩm thay thế và thay đổi chính sách cũng như điều chỉnh thị trường.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cô Tô là một trong những huyện đảo nỗ lực vượt bậc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Việc xây dựng và triển khai Đề án 175 về “Huyện đảo không rác thải nhựa” thực sự hiệu quả và đã trở thành điểm sáng trong tỉnh.

Chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học tập, triển khai mô hình “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. (Ảnh: TL) 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, các giải pháp cụ thể đã được triển khai bao gồm: Tuyên truyền tới từng hộ gia đình, người lao động, học sinh, các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chủ các khách sạn, nhà hàng, các hãng tàu vận tải, các ngư dân khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên biển, các cơ sở chế biến hải sản,… về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, môi trường biển; ký cam kết với các phương tiện vận tải khách, vận tải hàng hóa không vận chuyển túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng 1 lần vào địa bàn huyện; thực hiện thay thế sản phẩm nhựa; quản lý, thu gom phân loại và xử lý rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương…

Tại diễn đàn này, các đại biểu đã được nghe Phó Chủ tịch huyện Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) Trương Khắc Trưởng; Phó Chủ tịch thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) Phạm Văn Nghiệp và Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Huỳnh Trung Sơn chia sẻ những giải pháp hiệu quả thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý các sản phẩm nhựa, đa dạng hóa các sản phẩm thay thế nhựa cũng như các giải pháp thu gom, tái chế các sản phẩm nhựa; đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở nước ta./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực