Bình Phước: Thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 24/10/2022 14:53
(ĐCSVN) - Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 20% tổng dân số, những năm qua, Bình Phước đã luôn đề cao, chú trọng trong công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
 
 

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 có 10 dự án thành phần, trong đó có 12 tiểu dự án và 33 nội dung, nhiệm vụ.Theo kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn thực hiện chương trình này là 873,41 tỷ đồng (ngân sách trung ương 793,41 tỷ đồng, ngân sách địa phương 80 tỷ đồng). Năm 2022, nguồn này là 215,713 tỷ đồng (trung ương 195,713 tỷ đồng, địa phương 29,357 tỷ đồng).

Để thúc đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 gồm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững.

Lễ khởi công xây dựng, di dời chuồng trại  ra xa nhà ở tại xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh
Chuồng bò đã được người dân di dời ra xa nhà ở 

Với chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đã tổ chức giao vốn từ nguồn đầu tư phát triển cho 11 đơn vị cấp huyện, sở, ngành và tương đương là 10,11 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025). Riêng năm 2022 là 876 triệu đồng và vốn từ nguồn đầu tư công của tỉnh, đến nay đã có quyết định phân bổ 64 tỷ đồng cho các đơn vị cấp huyện và tương đương.

Đồng chí Nguyễn Lương Nhân, Phó Trưởng Ban Dân tộc Bình Phước 
 Đồng chí Nguyễn Lương Nhân, Phó Trưởng Ban Dân tộc Bình Phước chia sẻ: Trên thực tế, nguồn lao động của tỉnh Bình Phước chất lượng còn hạn chế, đội ngũ lao động chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, sự dịch chuyển lao động từ các tỉnh đến Bình Phước là rất lớn, lao động mùa vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn có thu nhập cao hơn nên việc thu hút lao động vào làm việc khu vực công nghiệp và dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người dân tương đối nhiều nhưng còn gặp khó khăn về chi phí đi xuất khẩu, do họ không thuộc diện chính sách nên không được vay vốn đi xuất khẩu lao động (theo quy định Nghị định 61/2015/NĐ-CP). Vì vậy, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn ít. Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế đó, công tác giải quyết việc làm ở Bình Phước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững cũng như chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Phước đã huy động, tập trung mọi nguồn lực, tích hợp các chính sách đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó tập trung hỗ trợ các nhu cầu thực tế của hộ nghèo như hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa nhà, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ con giống, nông cụ, nước sinh hoạt… Nhiều địa phương làm đã tốt công tác này như: Huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp…

Đồng chí Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh 

Đồng chí Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh chia sẻ: Trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS vẫn là nội dung trọng tâm mà tỉnh Bình Phước tập chung chỉ đạo. Đó là duy trì tốt việc cập nhật thông tin cung - cầu lao động để có nguồn số liệu chính xác, chi tiết phục vụ cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm giai đoạn từ nay đến 2025 và các giai đoạn tiếp theo. 

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Chương trình giảm nghèo sẽ góp phần giảm nghèo đa chiều và bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh hộ nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo vượt lên, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, dần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn, miền núi với thành thị. /.


TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực