Cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 27/10/2023 13:30
(ĐCSVN) - Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang gánh vác vai trò quan trọng ở nhiều vị trí khác nhau như, bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản. Trong những năm qua việc quan tâm thực hiện đẩy đủ chính sách cho Người uy tín đã và đang tạo thêm niềm tin, sự hứng khởi cho Người uy tín trên hành trình chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương dẫn dắt đồng bào dân tộc thiểu số ở những bản làng, thôn xóm... xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, phát triển.
 Hội nghị gặp mặt, tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2022 (ngày 27/3/2023)

Vùng dân tộc và miền núi Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, với dân số 1.197.628 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh). Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm có 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống xen kẽ ở 12 huyện, thị xã của tỉnh. Thời gian qua, vùng dân tộc và miền núi Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nhà. Góp phần then chốt trong thành quả đó, vai trò của người có uy tín ngày càng được phát huy rõ nét. Đây là lực lượng tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chính sách dân tộc và nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những thay đổi căn bản.

Ở thôn Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, ông Lô Văn Huỳnh, Người có uy tín dân tộc Thái, đã cùng với cấp ủy xã Nghĩa Dũng vận động bà con trong thôn xây dựng bể nước công cộng tự chảy. Nhờ thế, hàng trăm hộ dân đã có nước sạch dùng, giải quyết khó khăn về nguồn nước vào mùa hạn.

Trong bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa, cụ Lương Xuân Thuyết, Người có uy tín của ở bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đã khiến nhiều người nể phục. Cụ Thuyết đã truyền niềm đam mê yêu thích nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, cũng như người dân về chiếc khèn bè và sáo nhuôn của người Thái.

Ông Kha Văn Toàn, người có uy tín ở bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) luôn là tấm gương sáng trong các phong trào và giỏi làm kinh tế ngay trên mảnh đất của quê hương. Là người hiểu biết các chính sách của Đảng, Nhà nước, ông Kha Văn Toàn luôn tích cực trong công tác vận động bà con trong bản chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, cũng như các cuộc vận động khác; phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; là địa chỉ cho các hộ dân, đặc biệt là có hoàn cảnh khó khăn trong bản học hỏi cách làm kinh tế.

Gương sáng từ Người có uy tín đã thực sự gieo niềm tin đến cộng đồng các dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống. Có thể khẳng định, trong những năm qua, với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tự tôn dân tộc cùng với chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp, Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An đã phát huy tích cực vai trò, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nói chung và các huyện, thị xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng. Họ cũng chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc thiểu số, Nhân dân vùng miền núi; là hạt nhân quan trọng, góp phần trong xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Ông Kha Văn Toàn (áo sọc) là người có uy tín làm kinh tế giỏi, là địa chỉ cho các hộ dân trong bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương)học hỏi cách làm kinh tế.

Theo đồng chí Vy Mỹ Sơn, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Ban Dân tộc cùng các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo quy định, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc...

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống di dịch cư tự do và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, góp phần ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lừa gạt, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.../.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực