Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định

Thứ ba, 01/11/2022 09:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, hiện có 39 dân tộc thiểu số, với hơn 10.620 hộ, 41.734 người. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định sinh sống chủ yếu ở 119 thôn, làng, 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Chính bởi vậy, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân vận, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã quán triệt và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã có 221 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vùng đồng bằng được UBND tỉnh phân công kết nghĩa với 119 làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng cường và đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội...công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác dân vận ngày càng xuất hiện nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làng Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp là một trong những điểm sáng trong công tác dân vận tuyên truyền vận động bà con ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của huyện Vĩnh Thạnh. Làng Tà Lét hiện có 43hộ,167 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Bana. Những năm qua công tác dân vận luôn được Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp quan tâm chú trọng, đặc biệt là việc tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để triển khai công tác dân vận trên địa bàn, Đảng ủy xã Vĩnh Hiệp ngoài việc xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận hàng năm, còn giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bí thư chi bộ, trưởng làng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời giải đáp những vướng mắc, băn khoăn của bà con về các chủ trương, chính sách của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn là người gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào để nhân dân noi theo. Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong những năm qua, làng Tà Lét không xảy ra trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhờ làm tốt công tác dân vận qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương 

Thôn 5, xã An Vinh cũng là một trong những điểm sáng trong công tác dân vận tuyên truyền vận đồng bà con tham gia quản lý bảo vệ rừng của huyện An Lão. Là địa phương nằm ở đầu nguồn của hồ chứa nước Đồng Mít chính vì vậy việc quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn có ý nghĩa rất quan trọng. Để nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng trái phép, giúp người dân địa phương gắn bó hơn với rừng, có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, Đảng ủy xã An Vinh đã xây dựng mô hình dân vận quản lý bảo vệ rừng cộng đồng tại thôn 5. Nhiệm vụ của tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn 5 là phối hợp với chủ rừng, kiểm lâm địa bàn và các hội đoàn thể tại địa phương nên kế hoạch tuyên truyền vận động bà con nhân dân tham gia bảo vệ rừng và tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng theo định kỳ. Ngoài ra hàng năm bà con còn tiến hành phát tuyến ranh giới lô. Tham gia Tổ Xung kích bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng 

Thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được các cấp chính quyền quan tâm triển khai thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tự tử tự sát trong vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Chuyến xe tình nghĩa, bếp ăn tình nguyện, bếp ăn 0 đồng…Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức tự lực, tự chủ của đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực.

Mô hình bếp ăn không đòng trong đại dịch COVID 

Phải nói rằng công tác dân vận đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cấp, đến nay, 100% thôn, làng thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận điện, trong đó, 98,1% thôn, làng được sử dụng điện lưới quốc gia; 88% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa; 100% xã có đài truyền thanh, 100% số xã phủ sóng truyền hình, 84,9% xã có nhà văn hóa, 96,2% số thôn có nhà văn hóa. Các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được quan tâm đầu tư, nhân rộng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần củng cố thêm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực