Đắk Lắk phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 27/10/2023 11:36
(ĐCSVN) - Tỉnh Đắk Lắk hiện có 921 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm qua, những già làng trưởng bản, người có uy tín tại Đắk Lắk đã phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ an ninh biên giới.

Nhận thức được vị trí, vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhân dân vùng dân tộc thiểu số; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chăm lo xây dựng phát triển kinh tế xã hội buôn làng ngày càng phát triển, văn hóa được bảo tồn, lưu giữ, phát huy, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo,  công tác vận động, phát huy vai trò người uy tín trên các lĩnh vực đời sống xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng và từng bước phát huy hiệu quả.

Ông Ykabya - Già làng xã Krong Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk . Ảnh: Khánh Dư

Về tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: Trong những năm qua việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đã được người có uy tín thực hiện hiệu quả. Thông qua các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với người có uy tín và qua các kênh thông tin, báo đài, người uy tín được cung cấp, phổ biến các kiến thức, từ đó tuyên truyền đến bà con nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại địa phương.

Hầu hết các già làng, trưởng bản, người có uy tín là những cán bộ đã về hưu, có sức khỏe tốt và sau khi trở về khu dân cư sinh sống, đã tự nguyện tham gia các phong trào của địa phương. Các già làng và người có uy tín đã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân, xác minh những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động các bà con trong thôn, trong buôn quyên góp ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Vận động bà con tham gia bảo vệ an ninh biên giới, kịp thời thông báo những đối tượng lạ qua lại khu dân cư, từ đó đảm bảo an ninh chính trị ngay tại địa bàn dân cư.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền của người có uy tín đã tạo niềm tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, xóa dần những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư... Tới nay, các già làng và người có uy tín đã và đang góp công sức của mình cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ông Y Tech Phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Khánh Dư

Nhiều nơi, với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, những người có uy tín đã xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ăn trái, cây nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.... Từ đó, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã học tập, mạnh dạn đầu tư và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt có nơi còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong khu vực. Các hợp tác xã, dịch vụ do người có uy tín làm chủ với đông đảo thành viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số; nổi bật như Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dệt thổ cẩm Tơng Bông tại buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột do bà H’Yam BKrông làm chủ, có 45 thành viên góp vốn, thu hút hơn 100 lao động tham gia; mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar do 27 thành viên là bà con dân tộc Dao tham gia, tạo thu nhập bình quân cho mỗi hộ hằng năm từ 300- 400 triệu đồng.

Trong thời gian qua, người có uy tín đã thật sự đóng vai trò vừa tấm gương, vừa là nhân tố thúc đẩy đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tăng cường sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống... Họ chính là bằng chứng sống cho sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo để đồng bào tin, nghe và làm theo.

Khánh Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực