Đổi mới công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Thứ ba, 20/12/2022 09:38
(ĐCSVN)- Công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào DTTS đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm, nhiều thôn, bản đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Đồng bào các DTTS yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước

Nhằm nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào, tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với vùng đồng bào. Ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu. Song song với đó, thường xuyên hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phân công lãnh đạo, công chức phụ trách công tác dân vận chính quyền gắn với trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân.
Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua đã lan tỏa sâu rộng đến các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương và sự tham gia hưởng ứng của người dân. Đặc biệt, ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang xây dựng các mô hình nuôi gia súc, trồng cây dược liệu, đưa giống lúa mới vào canh tác; đi đôi với đó là “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân cùng thực hiện. Tích cực tuyên truyền người dân không tin, không nghe luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, không di cư tự do, không theo đạo trái pháp luật; tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể-chính trị, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đổi mới phương thức hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng và những vấn đề bức xúc, mới phát sinh trong Nhân dân để có hướng tuyên truyền, vận động và tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Vận động bà con đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc. Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trở thành cầu nối giữa Đảng với Nhân. Xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước thôn, bản để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng địa phương, cơ sở. Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì thường xuyên 52 bản/2.863 hộ tự quản đường biên, 6.272 hộ tự quản cột mốc, 141 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh thường xuyên quan tâm, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy đội ngũ làm công tác dân vận; toàn tỉnh có 43 cán bộ, công chức làm công tác dân vận chuyên trách. Nhìn chung, 100% cán bộ, công chức trong hệ thống dân vận được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực, nghiệp vụ từng bước được nâng lên.

Tích cực tuyên truyền người dân đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế

Cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khác trong tỉnh, huyện Than Uyên luôn tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS. Vận động Nhân dân chấp hành, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện thực hiện kịp thời các chính sách cho đồng bào thông qua việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi.
Đồng chí Hoàng Đình Trọng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận huyện Than Uyên chia sẻ: “Toàn huyện có 131 bản, khu phố/67.201 người đang sinh hoạt tại 11 xã, 1 thị trấn; có 10 dân tộc cùng chung sống. Cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tích cực tuyên truyền, triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn kịp thời, đồng bộ. Vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS được phát huy; đội ngũ cán bộ người DTTS được ưu tiên tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều mô hình dân vận khéo, mô hình phát triển kinh tế đã được quan tâm thực hiện; đời sống của đồng bào DTTS ở các xã nhất là vùng sâu, vùng xa được cải thiện”.

Lãnh đạo xã Pha Mu, huyện Than Uyên hướng dẫn bà con dân tộc Mông bản Huổi Bắc chăm sóc chanh leo. 

Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống với trên 84% dân số là đồng bào DTTS. Xác định công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS, các nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới, các chương trình trọng điểm; từ đó đề ra giải pháp thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận nhất là Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”. Tỉnh cũng ban hành Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS ở các huyện biên giới giai đoạn 2016-2020” và các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Đồng chí Lò Văn Cương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Công tác dân vận, nhất là dân vận ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Công tác dân vận luôn hoạt động với phương châm: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “làm dân tin”. Cùng với đó, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Ngoài ra, Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”.

Bà con dân tộc Thái xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện các chủ trương, chế độ chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp tỉnh đang triển khai trong công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.






CTV Phương Ly

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực