Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho biết: Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính, với 102 ấp, trong đó có 77 ấp, sóc có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21% dân số toàn huyện, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hiện có 47 người.
Những năm qua, người có uy tín, già làng trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Đặc biệt các già làng tiêu biểu, người có uy tín đã tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh…
|
Ông Nguyễn Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước |
Trong những năm qua, công tác thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Các Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 và Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số được tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Huyện Hớn Quản cũng đã thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho già làng, người uy tín; quan tâm phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng tại ấp Bù Dinh, xã Thanh An…
Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, gắn với triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho già làng, người uy tín trên địa bàn huyện. Từ năm 2020 - 2023, UBND huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả, đã tổ chức 03 Hội nghị cung cấp thông tin cho 150 lượt người có uy tín, kinh phí thực hiện 56 triệu đồng; thực hiện cấp phát sách, báo cho người có uy tín theo định kỳ. Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần: tổ chức thăm tặng quà, cấp kinh phí xăng xe, hỗ trợ mua BHYT, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm; khen thưởng cho người có uy tín với số tiền 600 triệu đồng.
|
Những năm qua, công tác phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Hớn Quản chú trọng làm tốt |
Nhờ làm tốt các chính sách với già làng, người có uy tín tiêu biểu đã góp phần kịp thời động viên, khích lệ họ phát huy tốt vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Hớn Quản.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Văn Hạ, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn huyện đang tồn tại một số vấn đề, đó là: Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, một số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, còn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng...
Xác định rõ vai trò của già làng, người có uy tín tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian tới, huyện Hớn Quản sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu; Thực hiện chính sách xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng tiêu biểu từ những việc làm cụ thể như tham gia vào Ban giám sát cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ vay vốn, thành viên MTTQ và các đoàn thể nhân dân... Qua đó tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các hộ nghèo tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững./.