Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số, với 104.066 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có nguồn gốc, xuất thân từ nhiều thành phần, dân tộc, ngành nghề, trình độ học vấn khác nhau, như: Già làng, trưởng tộc, trưởng thôn, tổ tự quản; đảng viên, cán bộ đã nghỉ hưu và đang công tác; các vị chức sắc, thầy cúng, thầy mo, nhân sĩ, trí thức… với 91 người thuộc 8/10 huyện, thị và thành phố
|
Đồng chí Phan Văn Đăng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận
trò chuyện cùng các chức sắc, người có uy tín bên lề Hội nghị Tuyên dương mô hình,
điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. |
Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, Người có uy tín, Già làng, Trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Đội ngũ này đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Họ đã thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã cùng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, nhân sĩ trí thức phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: vận động bà con tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vận động lớp trẻ giữ gìn nếp sống văn hóa của dân tộc và mặc trang phục truyền thống...Đồng thời, với vai trò và uy tín của mình, các vị chức sắc, người có uy tín tích cực nghiên cứu, đề xuất cộng đồng dân cư xây dựng, đưa những nội dung tiến bộ, tốt đẹp vào trong quy chế, quy ước chung để cộng đồng cùng thực hiện chung.
Điển hình như ông Thông Khói, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm ở khu phố Ma Lâm 3, huyện Hàm Thuận Bắc. Ông Thông Khói không những đi đầu trong công tác vận động quần chúng Nhân dân mà còn thường xuyên phối hợp với Tổ an ninh nhân dân, vận động con cháu, gia đình, dòng họ ký cam kết phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục, tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Nhiều Người có uy tín người dân tộc thiểu số là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, động viên con cháu, đồng bào trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình kinh tế điển hình trong thực tiễn.
|
ông Thông Khói (bên phải), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm
ở khu phố Ma Lâm 3, huyện Hàm Thuận Bắc |
Điển hình có ông Man Mu, Người có uy tín xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh là hộ gia đình sản xuất giỏi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Man Mu cho biết: “Thấy bà con thiếu vốn sản xuất nhưng ngại vay vốn ngân hàng mà chủ yếu vay ngoài cho tiện rồi vướng vào tín dụng đen, lãi suất cao, ông đã đến từng nhà vận động các hộ đồng bào dân tộc trong thôn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã mua giống, vật tư sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.
Nắm bắt được vai trò quan trọng của đội ngũ Người có uy trong đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín, với nội dung cụ thể, thiết thực như: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo; vận động người có uy tín tích cực tham gia các phong trào, gương mẫu để gia đình, người thân, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, Để phát huy vai trò của Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chế độ cho Người có uy tín theo Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho Người có uy tín; đưa Người uy tín đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa tại các tỉnh khác. Bằng những thông tin được nghe, thấy, Người có uy tín sẽ là nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền tại địa phương./.