Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn Phạm Tú chia sẻ: Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, người uy tín thực sự là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với các cấp chính quyền, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước thông qua các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhận các chức vụ như Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư, Trưởng ban công tác mặt trận, tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội.
Toàn huyện Thanh Sơn có dân số trên 13 vạn người,có 32 dân tộc cùng sinh sống trong đó người dân tộc thiểu số 80.171 chiếm 61,5%; Dân tộc Mường: 75.033= 56,8501%; Dao: 4.805= 3,6406%; Tày: 542= 0,4107%; Thái: 276= 0,2091%; Nùng: 166= 0,1258%; còn lại là các dân tộc khác. Trong 10 năm qua, huyện có 2.154 lượt người được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó tính riêng năm 2021 có 205 người được bầu chọn. Xác định người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, hàng năm, huyện luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách cho người có uy tín, trong đó thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc; đồng thời biểu dương, khen thưởng và cấp miễn phí Báo Nhân Dân, Báo Phú Thọ hàng ngày, Phú Thọ miền núi ấn phẩm Phú Thọ miền núi, Báo Đại đoàn kết, tạp chí Dân tộc và Phát triển cho người uy tín. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2011-2021 của huyện trên 1,5 tỉ đồng.
|
Các cấp chính quyền luôn quan tâm tặng quà cho đội ngũ người có uy tín tại địa phương |
Người uy tín trên địa bàn huyện luôn đi đầu trong các phong trào thi đua trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hay trong Giữ gìn an ninh trật tự xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư tiêu biểu như ông Triệu Văn Quang xóm Thành Công xã Văn Miếu; ông Triệu Tiến Khoa xóm Quyết Tiến xã Địch Quả, ông Phùng Đức Hòa xã Hương Cần, ông Đinh Tiến Sinh xã Cự Đồng, ông Triệu Tiến Phúc xóm Liên Thành Võ Miếu...Với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình các già làng, trưởng bản, người có uy tín còn phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tích cực đi đầu trong việc động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập thông qua việc vận động đồng bào tham gia quỹ khuyến học, xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ dân trí cho đồng bào DTTS, vận động nhân dân quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa, phát huy, giữ gìn phong tục, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu như ông Đặng Văn Canh xóm Đình xã Thạch Khoán, ông Nguyễn Thế Anh phố 19/5 thị trấn Thanh Sơn...
|
Người có uy tín luôn phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, |
Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thanh Sơn luôn phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, là lực lượng nòng cốt tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước các qui định của huyện tới các thành viên trong gia đình, dòng họ, thôn bản. Trong những năm qua, huyện Thanh Sơn đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín đã nâng cao vai trò tiên phong gương mẫu của họ trong cộng đồng các dân tộc, thường xuyên kiểm tra giám sát và nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện chính sách đối với đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện. Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, từ những chính sách này đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho những người có uy tín đóng góp các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đồng thời phát huy vai trò của người uy tín trong thực hiện công tác dân tộc, qua đó cho thấy người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền với nhân dân, là nơi tin cậy của cấp ủy chính quyền các cấp trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước./.