Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ Quốc, đường biên giới dài trên 333 km, là địa bàn có vị trí địa lý quan trọng về ANQP. Với trách nhiệm, sự hiểu biết cũng như khả năng thuyết phục nhân dân, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều phát huy tốt thế mạnh của mình để triển khai hiệu quả các mô hình công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, làm cho đời sống đồng bào ngày càng được cải thiện và sự giác ngộ của nhân dân được nâng cao. Vì vậy quần chúng nhân dân luôn có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, không để kẻ địch và các phần tử xấu lôi kéo, móc nối và có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này góp phần rất lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Trong số này có Trưởng xóm Trần Văn Phống, dân tộc Nùng, xóm Lũng Đa, xã Vân An, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là người có uy tín tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia". Ông thường xuyên phối hợp với thôn đội trưởng, các đoàn thể xóm đến từng nhà dân tuyên truyền chấp hành pháp luật. Chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương tổ chức họp dân phổ biến các nội dung cần truyền đạt như thông tin về tình hình tội phạm, về an ninh trật tự, không buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới... Từ đó bà con nhân dân đã nâng cao ý thức cảnh giác với tội phạm, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn, không để kẻ xấu lôi kéo ảnh hưởng an ninh trật tự. Góp phần giúp người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Từ năm 2009 - 2018, ông Phống đã tích cực phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bảo vệ phát triển rừng, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em được 53 buổi với 250 lượt người tham gia.
|
Già làng Ngọc Văn Thạnh, Bản Mon, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tham gia tuần tra đường biên, mốc giới. ảnh Báo Dân tộc và Phát triển |
Trong những năm qua để phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ người có uy tín sinh sống trên qua các địa bàn biên giới, ngành công tác dân tộc các cấp trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên chỉ đạo người có uy tín phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là với địa bàn biên giới, qua đó người uy tín tại vùng biên giới đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Người uy tín đã phối hợp với các đồn, tổ biên phòng tổ chức kết nghĩa được 13 cặp cụm dân cư 02 bên biên giới, tổ chức 45 cuộc giao lưu cụm dân cư 2 bên biên giới góp phần quan trọng trong xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Trong thời gian qua người uy tín cùng nhân dân đã phát hiện cung cấp cho Bộ đội Biên phòng 3.919 nguồn tin phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ an ninh trật tự biên giới.
Xác định vai trò người có uy tín luôn là trung tâm đoàn kết, tập hợp quần chúng nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh việc vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người có uy tín còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, giúp ngành chức năng kịp thời nắm bắt nguồn tin có giá trị trong công tác đấu tranh chống tội phạm. Đồng thời, người có uy tín tích cực vận động nhân dân cảnh giác trước các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền chống phá khối đại đoàn kết dân tộc gây mất trật tự xã hội. Những năm qua các cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã nhận thức được vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm. Theo đó, tỉnh tổ chức 48 lớp tập huấn cho hơn 3.400 lượt người có uy tín; cung cấp thông tin thời sự 307 cuộc cho trên 36.000 lượt người; biểu dương khen thưởng 2.844 lượt người có uy tín; tổ chức tham quan học tập ngoài tỉnh cho người có uy tín…tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách chăm lo cho người có uy tín để họ có điều kiện tốt nhất thực hiện nhiệm vụ của mình phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
|
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh tặng quà lưu niệm của Ủy ban Dân tộc cho các đại biểu Người có uy tín của tỉnh Cao Bằng |
Già làng, trưởng bản, người có uy tín là “vốn quý” trong công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở bởi chính độ tuổi, kinh nghiệm sống, uy tín trong cộng đồng, sự tâm huyết. Với những đóng góp của mình các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân địa phương vững bước đi lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội – quốc phòng – an ninh trong thời gian tới.