Theo ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, chính hoạt động đầu tư, quan tâm vào kinh tế sản xuất là những tấm gương thành công cải thiện đời sống, tăng thu nhập gia đình, đội ngũ những người có uy tín với cộng đồng ở địa phương ngày càng trở thành điểm tựa quan trọng với người dân cơ sở, khích lệ và hỗ trợ họ làm ăn, có động lực vươn lên vượt khó và lan tỏa các mục tiêu nhiệm vụ khác.
Những bàn tay lao động…
Ông Lý Nhà Chảo, người dân tộc Mông, ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho rằng, dân gian bao đời lập luận “có thực mới vực được đạo”, “dân dĩ thực vi tiên”…, nên hơn bất kỳ lý do nào, hoạt động đầu tư, làm ăn kinh tế khởi sắc sẽ tạo lực hấp dẫn mọi hoạt động xã hội văn hóa khác. Để làm tốt vai trò định hướng tuyên truyền, vận động người dân, người có uy tín phải “có trọng lượng” trong lời nói, việc làm của mình, tốt nhất phải được người khác khâm phục. Cho nên, ông đã không ngừng suy nghĩ, khảo nghiệm, để trên mảnh đất của gia đình, chọn được những giống, cây trồng phù hợp, không ngừng tăng năng suất và giá trị hàng hóa. Ông trồng 3 hecta thảo quả, 2 hecta sơn trà, cùng nhiều loại rau quả khác, rồi nuôi ong lấy mật; nghĩa là bất cứ cơ hội nào từ sản xuất tạo ra của cải, có thu nhập, thì ông đều mạnh dạn làm.
Kết quả đến nay, thu nhập gia đình ông dao động mỗi tháng từ 50 – 100 triệu đồng, thời điểm vào vụ thu hoạch chính còn cao hơn. Từ đó, ông lấy kinh nghiệm, thực chứng để giải thích, vận động bà con thân tộc, hàng xóm láng giềng, rủ mọi người cùng làm, phát triển kinh tế của cả xóm, cả làng. Ông Lý Nhà Chảo trở thành một người uy tín cao trong cộng đồng người dân, tự nhiên làm tốt trách nhiệm một người kết nối vận động mọi người chấp hành nghiêm những chủ trương, hành động xã hội.
Tương tự ông Chảo, ông Sùng A Trừ, người dân tộc Mông, ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải cũng chọn mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống thu nhập gia đình, từ chỗ khó khăn trở thành điển hình kinh tế, mỗi năm thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Ông Hoàng Sinh Cành, người dân tộc Tày, ở xã Tích Cốc, huyện Yên Bình cũng chọn hướng đầu tư vào làm ăn sản xuất để thực chứng năng lực quản lý của mình, với mô hình vườn bưởi diễn 1.000 cây trở thành tấm gương năng động với người dân trong xã. Vườn bưởi của ông đang phát triển, hứa hẹn đem lại thu hoạch tốt. Ông Triệu Tiến Bảo, người dân tộc Dao, ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên lại có một lựa chọn khác, đầu tư chuyên sâu, chuyên canh vào 10 hecta quế của gia đình, đem lại mỗi năm trên 500 triệu đồng, rất được bà con tán thưởng và học tập.
Thực tiễn tạo nên giá trị!
Có thể nói những tấm gương lao động kiên trì, đầy sáng tạo thay đổi, hướng đến những giá trị thu nhập và cải thiện đời sống tốt hơn của những người có uy tín với cộng đồng, như ông Lý Nhà Chảo, ông Triệu Tiến Bảo… đang ngày ngày tạo nên những ấn tượng tích cực với cộng đồng người dân địa phương. Họ như “những đóa hoa đời thường”, tự động tỏa hương bằng chính kết quả hành động, làm việc của mình, có sức hút thực tế với những người xung quanh. Với tinh thần chia sẻ và động viên, những con người lao động này, lại rất nhiệt tình, tích cực để trao đổi, gặp gỡ những người khác, động viên gia đình, tộc họ, thân nhân cùng làm ăn kinh tế. Cách nhìn của họ, là một cá nhân có làm đến đâu cũng chỉ giới hạn trong một mảnh vườn. Nếu có thể nhân rộng khả năng lao động, kiến thức làm ăn cho nhiều người, nhiều nhà, thì giá trị kinh tế chung càng lớn hơn, và với vai trò dẫn dắt, đi đầu, họ sẽ có những mốc thu nhập tổng hợp còn giá trị hơn nữa.
|
Đội ngũ những người có uy tín với cộng đồng ở địa phương càng trở thành điểm tựa quan trọng với người dân
cơ sở |
Đặc biệt khi đã tự nguyện đứng vào đội ngũ những người có uy tín được công nhận của quê hương Yên Bái, những người có uy tín xuất phát từ giá trị kinh tế lại không ngừng khẳng định uy tín của mình bằng cách vận động, kêu gọi mọi người hành động bởi lợi ích xã hội, lợi ích cuộc sống. Qua những vận động của họ, đã có hàng nghìn mét vuông đất, hàng ngàn ngày công lao động, được người dân các địa phương cống hiến, bỏ ra, để cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng những công trình công ích xã hội như trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn xã… Những hành động đầu tư này, lại tiếp tục cổ vũ cộng đồng nhận ra những giá trị cuộc sống tốt hơn, định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ những tiêu chí đạo đức truyền thống, chống mê tín dị đoan, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đánh bạt những quan điểm sai trái, chống đối tiêu cực, phản động hoặc suy đồi nhân cách đạo đức.
Theo đánh giá của tỉnh Yên Bái, chính những người có uy tín giỏi làm ăn kinh tế, đã mở ra rất nhiều góc cạnh phát triển đời sống, nâng cao giá trị xã hội và qua đó, càng làm rõ hơn chủ trương, mục tiêu xây dựng, tôn vinh, hỗ trợ những người có uy tín trong cộng đồng mà địa phương tập trung thực hiện. Nhiều chính sách, điều kiện hỗ trợ đời sống cho người có uy tín, sự quan tâm, biểu dương, thăm hỏi kịp thời của các cấp chính quyền, các hội đoàn thể càng giúp tinh thần trách nhiệm của đội ngũ người có uy tín tăng thêm. Tất cả tạo nên hướng hành động, chủ trương tích cực về chăm sóc phát huy đội ngũ người có uy tín ở Yên Bái ngày một mang lại những kết quả tốt hơn./.