Giàng A Dê khởi nghiệp

Chủ nhật, 23/10/2022 09:03
(ĐCSVN) – Đến La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái) chúng tôi gặp vợ chồng Giàng A Dê, người đã vượt khó để xây dựng “Hello Mù Cang Chải” - mô hình du lịch cộng đồng (homestay) hoạt động có hiệu quả. Những hoạt động homestay đã đánh thức tiềm năng du lịch to lớn nơi đây, hiện thực hóa “giấc mơ” Mù Cang Chải trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc.
Vợ chồng Giàng A Dê – Vàng Thị Lỳ chia sẻ cùng PV 

Vùng quê đầy tiềm năng

Đến Mù Cang Chải, chúng tôi được đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu đến thăm "Hello Mù Cang Chải" - mô hình du lịch cộng đồng (homestay) của vợ chồng Giàng A Dê, xã La Pán Tẩn. Giàng A Dê đón chúng tôi ở cửa nhà trên đỉnh quả đồi, với nụ cười tươi, cùng người vợ là Vàng Thị Lỳ (SN 1992) nâng chén nước trên khay mời chúng tôi.Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết anh là người dân tộc Mông (SN 1989), sinh ra và lớn lên ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

“Quê em nghèo khó, ước mơ của em là làm sao quê hương mình hết đói nghèo, người dân nơi đây có việc làm, đời sống no đủ, con em được đi học…” Giàng A Dê chia sẻ. Nhìn sang người vợ trẻ - Giàng A Dê tiếp tục câu chuyện, anh cho biết hai vợ chồng cùng học Trường Đại học kinh tế Thái Nguyên. Anh học đại học, vợ học cao đẳng. Học ra trường, anh làm việc tại chi nhánh Viettel Mù Cang Chải; vợ làm kế toán nhà khách Suối mơ tại UBND huyện Mù Cang Chải.

Tuy nhiên công việc bấp bênh, thu nhập không cao, cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn, điều đó làm anh trăn trở rất nhiều và có ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình với tiềm năng du lịch rất lớn. Bởi chỉ cần nói đến Mù Cang Chải, trong đó có La Pán Tẩn là người ta nghĩ ngay tới những kiệt tác ruộng bậc thang đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng ở điểm cao này, nơi của đất trời giao hòa. Với cảnh đẹp say đắm lòng người, năm 2007, ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn cùng với Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia. Đây được coi là cơ sở tiền đề quan trọng để người dân xã La Pán Tẩn thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế, đó là khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra các dịch vụ phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch cộng đồng (homestay).

Giàng A Dê kể, ước mơ làm du lịch homestay của anh là tình cờ, cơ duyên một lần gặp được người nhà có nói chuyện và giới thiệu việc làm du lịch homestay. Điều đó đã gợi cho anh sự phấn khích, tò mò và quyết tâm theo học. Anh đã bắt đầu có ý thức học từ cách nấu ăn, giao tiếp với khách, tổ chức tour…và càng làm anh lại càng đam mê với cách làm du lịch homestay.

Hello Mù Cang Chải

Quyết định làm du lịch homestay, Giàng A Dê đã thuyết phục vợ ủng hộ. Cuối năm 2017, anh nghỉ việc ở Viettel để toàn tâm, toàn ý cho việc hiện thực hóa ước mơ của mình. Và “Hello Mù Cang Chải” của vợ chồng Giàng A Dê ra đời ngay trên đỉnh đồi ở độ cao trên 1.000m. Với địa thế này, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn La Pán Tẩn, một kiệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, hùng vĩ với những ruộng bậc thang lên đến tận trời cao và được tận hưởng không khí trong lành của trời đất giao hòa; thấy được cuộc sống của người dân chồng cày vợ cấy, trẻ em tung tăng đến trường...

- một khung cảnh nhộn nhịp vùng cao.

Đường lên "Hello Mù Cang Chải Homestay" 

“Hello Mù Cang Chải” như một niềm tự hào, kiêu hãnh của chàng trai người Mông nơi này. Quyết định lập nghiệp xây dựng homestay ngay trên mảnh đất quê hương, khó khăn trăm bề nhưng trong anh luôn vững tin và thầm nhủ mình sẽ làm được.

Vợ chồng Giàng A Dê tâm sự, ngày đầu mọi thứ vô cùng khó khăn, trước hết là huy động vốn, vay mượn cả hai bên nội, ngoại, người thân và vay ngân hàng… được hơn 500 triệu đồng cho khởi nghiệp "Hello Mù Cang Chải".

Giàng A Dê tâm sự, người dân quê em nghèo lắm, gia đình em cũng không ngoại lệ, nên cũng phải xoay sở nhiều. Ngay như con đường bê tông lên nhà trên đỉnh đồi dài khoảng 200m cũng do vợ chồng em tự làm, xi măng mất khoảng 2 tấn, cát sỏi mua, riêng đổ bê tông hai vợ chồng tự làm lấy mất 15 ngày. “Làm xong đoạn đường này, hai vợ chồng người đen nhẻm, gầy hốc hác, nhưng em nghĩ cái gì mình tự làm được mình phải cố gắng làm”, Giàng A Dê chia sẻ.

Lúc đầu làm du lịch homestay là thách thức không phải ai cũng biết, cũng hiểu nơi vùng cao người Mông ở La Pán Tẩn, bởi tập quán lạc hậu, số người biết tiếng Kinh đếm trên đầu ngón tay. Biết được điều đó, anh đã kiên trì vận động, thuyết phục người dân của bản cùng tham gia, vì người Mông vốn bản chất thật thà và chất phác, cần cù chịu khó, thì chỉ cần ưng cái bụng, sống tình nghĩa với đồng bào là họ tin theo. Giàng A Dê cho rằng: “Phát triển dịch vụ là phải gắn với cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Mông như "ba cùng” thì mới đúng nghĩa của du lịch cộng đồng bền vững. Không cái gì tự nhiên mà biết hết được, phải vừa làm vừa học, cái gì không rõ thì hỏi, học từ du khách, học trên Internet”. Giàng A Dê kể: “Có lần khách gọi mình xuống thị trấn đón lên ở nhà mình, mình lúng túng nhiều thứ không biết làm. Nhưng dần dần ở với họ, họ đã dạy mình cách nấu những món ăn của người nước ngoài, dạy mình tiếng Anh - họ chính là người thầy của mình, mình rất vui được họ chia sẻ, giúp đỡ”.

Hành trình khởi nghiệp homestay đầy khó khăn, Giàng A Dê cho biết: ngoài tiền bạc ra còn ngôn ngữ giao tiếp là thách thức lớn. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, khách nước ngoài đến Mù Cang Chải ngày một đông hơn và La Pán Tẩn không là ngoại lệ, cho nên để giao tiếp được với họ là điều rất quan trọng quyết định sự thành, bại của "Hello Mù Cang Chải". Nhận thức rõ điều này, vợ chồng anh đã bàn bạc với nhau và đi đến thống nhất, anh ở nhà sắp xếp công việc của "Hello Mù Cang Chải", vừa làm vừa học, tiếp tục cải tạo, tu sửa cảnh quan, vận hành "Hello Mù Cang Chải". Còn chị ngược Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng với mục đích chính là học bằng được tiếng Anh. Sau gần 6 tháng ở Sa Pa, chị Vàng Thị Lỳ đã có vốn giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Đây được cho là quyết định đúng và sáng suốt, đầy nghị lực, rất đáng khâm phục.

Lớp tiếng Anh do thầy giáo "Tây" tham gia giảng dạy. 

Giàng A Dê chia sẻ, "Hello Mù Cang Chải" vừa làm vừa hoàn thiện, vừa tháo gỡ khó khăn đến nay Khu du lịch Hello Mù Cang Chải Homestay đã có 8 Bungalow, 1 homestay với 5 phòng, 1 văn phòng tour tại tổ 2 thị trấn Mù Cang Chải; vận hành 18 tour du lịch trong huyện như: Trải nghiệm, leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng ….Liên kết và ký hợp đồng với một số Công ty du lịch Lữ hành như: Ban Mai, Du lịch Á Châu, Viễn Đông, Authentic, Du lịch Viet….. Có tài khoản tại một số trang book như: Booking, agoda, AinB&B, Expiedia, Intagram….7 hướng dẫn viên tiếng anh, 15 hướng dẫn tiếng Việt, 53 xe ôm, 14 hộ mở đường và tu sửa leo núi, tại homestay duy trì 5 người, nhà hàng 6 người,  3 porter. Mở và vận hành thành công các tour leo núi: Tháp trời, Tà Chì Nhù hướng Mù Cang Chải, Lùng Cúng … Tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 thanh niên thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Câu Slogan “Đi là thích - đến là mê” đã thu hút và chinh phục được khách du lịch.

Với những cách làm sáng tạo, kiên trì, khát vọng vươn lên, năm 2018, Homestay chính thức đưa vào hoạt động, đón trên 350 lượt khách với doanh thu trên 180 triệu đồng. Năm 2019, đón trên 600 lượt khách với doanh thu trên 250 triệu đồng. Năm 2020, nâng cấp Homestay lên Doanh nghiệp có tên “Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải” với câu slogan “Đi là thích - đến là mê”, doanh thu trên 250 triệu (trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh Covid-19). Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải đã tạo việc làm thường xuyên ổn định cho 8 lao động và 6 hướng dẫn viên theo thời vụ, 20 xe ôm du lịch.

Không chỉ mở rộng vốn tiếng Anh cho bản thân mình, anh mở lớp học tiếng anh cho 15 thanh niên trong bản với thời gian 2 tháng có giảng viên nước ngoài. Mở một tủ sách miễn phí thành công với tên “ I Have A Book” có nghĩa là “Em có sách” tại xã La Pán Tẩn để khuyến khích, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin cho mọi người dân. Tổ chức các buổi ngoại khóa trẻ em được nói chuyện với người nước ngoài.  Khách du lịch nước ngoài đến họ nấu ăn, dạy tiếng Anh cho bà con dân bản, đi suối bắt cá, xuống ruộng cày, cấy mạ… Anh cho rằng phải làm homestay đúng nghĩa và giữ chữ tín, có như vậy mới được nhiều người ủng hộ, tin tưởng vì họ thấy có lợi từ du lịch. Có điều đặc biệt nữa là ngoài lớp tiếng Anh do anh chị đảm nhiệm miễn phí cho trẻ con ở La Pán Tẩn, thì lớp tiếng Anh này còn có cả thầy, cô giáo đến từ đủ mọi quốc tịch trên thế giới.

 
Đồi Mâm Xôi 'đẹp không cưỡng nổi' ở Mù Cang Chải 

Khẳng định thêm thành công bước đầu của "Hello Mù Cang Chải", đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Với những nỗ lực của mình, năm 2020 Anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen; UBND huyện Mù Cang Chải tặng Giấy khen. Năm 2021 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu Thanh niên sống đẹp toàn quốc; UBND huyện Mù Cang Chải tặng Giấy khen. Năm 2022: UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen; Huyện ủy Mù Cang Chải tặng Giấy khen và nhiều cấp, ngành khen thưởng.

Đồng chí Đào Thị Thu Thủy cho biết:  Giàng A Dê là một thanh niên tiêu biểu của người Mông, dám nghĩ, dám nói, dám làm, đổi mới, sáng tạo, biến ý tưởng thành hiện thực, vượt lên những rào cản, định kiến về nguồn gốc dân tộc, đang từng bước chiến thắng bản thân, mạnh dạn đi đầu trong phát triển du lịch của xã, của huyện; tích cực quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu miền đất, con người Mù Cang Chải tươi đẹp, mến khách đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Văn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực