Phát huy vai trò người đứng đầu tại buôn làng trong phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên

Thứ năm, 28/12/2023 15:52
((ĐCSVN) - Qua 13 năm thực hiện Chương tình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tới nay cả nước có hơn 6.000 xã (tỷ lệ trên 74% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Góp sức vào kết quả này, ngoài nguồn lực của Nhà nước, thì cộng đồng người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đóng góp rất lớn cho Chương trình. Từ đó, đưa chương trình Xây dựng Nông thôn mới trở thành phong trào thiết thực, mang lại lợi ích cho chính bà con địa phương.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Ban đầu, trong mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới là các địa phương phấn đấu đạt được chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều xã nông thôn mới phát triển lên nông thôn mới nâng cao và trở thành nông thôn mới kiểu mẫu. Sau nông thôn mới kiểu mẫu, sẽ nâng cấp lên thành nông thôn mới thông minh. Nông thôn mới Smart là ứng dụng chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của xã, thôn, buôn làng…

Đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực vào cuộc, sự đồng lòng chung sức tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới. Từ những buôn, ấp với hạ tầng giao thông yếu kém, lầy lội vào mùa mưa, tới nay, hầu hết các con đường trong các buôn làng ở các tỉnh Tây Nguyên đã được bê tông hóa, khang trang sạch sẽ, thuận lợi cho bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Ở xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, xã có tới 72% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào Ê – đê, hơn 3.100 hộ gia đình nơi đây tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cảnh quan văn hóa trong các buôn làng thành những con đường hoa, xanh, sạch, đẹp. Riêng huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, bà con đồng bào đã hiến hơn 64.000 mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn.

Gia đình anh Phạm Văn Dũng là một trong những tấm gương điển hình, uy tín trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của xã. Phát huy vai trò của một trưởng thôn, năm 2014, gia đình anh cùng các hộ bà con đồng bào trong thôn Phú Thành đã hiến mỗi nhà 2 mét đất chạy dọc theo vườn để mở rộng đường giao thông liên thôn. Nhờ đó, con đường mới được nâng cấp, mở rộng lên tới 5 mét, hai bên đường trồng hoa tạo cảnh quan và có hệ thống lưới điện chiếu sáng ban đêm.

Phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, dựa vào người có uy tín, có tiếng nói tại thôn, buôn, làng đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn. Kết quả là xã Ea Drơng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, và tới đây đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025. Hiện tại, xã đạt được 13 tiêu chí, có 4 tiêu chí cơ bản đạt theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Lãnh đạo xã Ea D’rơng, huyện Cư M’gar và trưởng thôn cùng trao đổi kế hoạch làm đường giao thông nông thôn mới

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 74/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 49%, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Hòa Thuận); 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Buôn Ma Thuột). Toàn tỉnh đạt 2.374 tiêu chí, bằng 82,7% tổng số tiêu chí; bình quân đạt 15,72 tiêu chí/xã. Đắk Lắk được công nhận 148 sản phẩm OCOP, đạt từ 3 – 4 sao, gồm 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 128 sản phẩm đạt 3 sao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn số lượng. Nhiều mô hình nông nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế cao, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập. Trong đó, chủ yếu là những mô hình của các tổ chức và cá nhân, gia đình thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, tính tới cuối tháng 11 năm 2023, bên cạnh những khó khăn còn tồn tại, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đăk Nông đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 307 tỷ 398 triệu đồng (Theo Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của thủ tướng Chính phủ). 

Diện mạo nông thôn mới tại tính Đắk Nông sau quá trình xây dựng 

Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, đến nay có 01 xã  được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Đăk Wer – Đăk R’lấp); 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí. Công tác xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; các địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự giác chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên sạch đẹp. Vì vậy số lượng nhà tạm, nhà dột nát ngày càng được thay thế bằng nhà kiên cố, khang trang đạt chuẩn theo quy định; đồng thời, người dân cũng tích cực đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, vườn cây, hoa màu,... để cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: đường, trường, trạm, nhà văn hóa, từng bước đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn, đặc biệt là các xã có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (có 50/60 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, đạt 83,33%; 60/60 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi đạt 100%. Những kết quả nêu trên không thể không kể đến uy tín của người đứng đầu buôn, làng, sự đồng lòng của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó bà con chính là người trực tiếp thực hiện các công việc trong xây dựng nông thôn mới, cũng là những người được hưởng lợi từ Chương trình này./.

Khánh Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực