Lào Cai: Phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng

Thứ ba, 05/09/2023 18:00
(ĐCSVN) - Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.

Đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số dự Hội nghị Giai đoạn 2021 -2023.
(Ảnh: Thanh Huyền) 

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 1.119 người uy tín; Các chế độ chính sách cho người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ, cụ thể: Công tác cung cấp thông tin cho người có uy tín: Tổ chức 15 hội nghị, trong đó: 01 hội nghị biểu dương; 05 hội nghị tập huấn; 09 hội nghị cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật. Tổ chức 03 đoàn cho 240 người có uy tín đi học tập kinh nghiệm. Cấp 02 đầu báo (Báo Lào Cai, Báo Dân tộc và Phát triển) cho 100% người có uy tín. 

Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín, hộ gia đình người có uy tín: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán cho 100% người có uy tín. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi người có uy tín khi bị ốm đau, qua đời; các hộ gia đình người có uy tín bị thiên tai, hỏa hoạn cho 38 lượt người uy tín.

Công tác khen thưởng người có uy tín: Tổ chức khen thưởng cho 29 người có uy tín có thành tích tiêu biểu xuất sắc, trong đó: 3 người được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tặng Bằng khen; 26 người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Việc thực hiện tốt những chính sách kể trên đã góp phần phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, để người uy tín thực sự là cầu nối của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững: Người có uy tín đã vận động đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa sản xuất; phát huy nội lực, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình.

Người có uy tín đã thực hiện nêu gương, tiên phong trong việc hiến đất lấy mặt bằng xây dựng, đóng góp tiền bạc, ngày công để hoàn thiện các kết cấu hạ tầng. Tuyên truyền vận động đồng bào tự nguyện đóng góp tiền bạc, hiến đất và nhiều ngày công lao động để xây dựng hạ tầng nông thôn mới, làm bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khang trang, tươi mới, tạo thuận lợi cho sự phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào.

 Về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới: Người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, từ bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện các quy ước, hương ước cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Về xây dựng khối đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Người có uy tín đã kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật trong cộng đồng; tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào cảnh giác với sự dụ dỗ, lôi kéo của những phần tử xấu chống đối chính quyền; vận động đồng bào tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư…

Về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở: Người có uy tín phối hợp cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng đưa quy chế dân chủ vào cuộc sống của người dân. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, người có uy tín đã có nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tham gia đóng góp vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc. Người có uy tín góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào hệ thống chính trị và chính quyền cơ sở.

Việc thực hiện các chính sách dân tộc cũng như phát huy vai trò của người có uy tín trong việc vận động nhân dân phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo được chú trọng.

Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được quan tâm. Đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày được tăng cường, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước./.

VM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực