Xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư ở Tây Nguyên

Thứ sáu, 03/11/2023 10:00
(ĐCSVN) - Với những sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, Tây Nguyên đang ngày càng phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Điều này được thể hiện qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng, qua các lễ hội được liên tục duy trì, phát triển. Cùng với đó, với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự tham gia của đoàn thể và cộng đồng cư dân, trong đó có vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, người có chức sắc tôn giáo…tạo thành sức mạnh tổng hợp đại đoàn kết, càng làm cho giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đi sâu vào đời sống.

Hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng lối sống văn hóa tại khu dân cư”, người có uy tín, già làng, các chức sắc tôn giáo ở tỉnh Đắk Nông với tâm huyết làm tốt vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, họ đã tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng dân cư bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp tại buôn làng.

Trong những năm qua, các chức sắc tôn giáo và các già làng đã tích cực tham gia vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, buôn văn hoá…; đội ngũ này luôn gương mẫu, duy trì các phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan…; đấu tranh loại bỏ những hành vi lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và các chuẩn mực đạo đức xã hội; tham gia khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống, phục dựng các nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, như lễ cúng bến nước, lễ cúng cơm mới, lễ mừng sức khỏe, lễ đặt tên, lễ kết nghĩa, lễ hội cồng chiêng… mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Trong những dịp cuối năm, khi ngày lễ Giáng sinh của đồng bào theo đạo Thiên chúa và Tin lành đang đến gần, nhiều chức sắc tôn giáo tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã đến thăm hỏi, động viên những giáo dân trên địa bàn mình phụ trách. Việc trao đổi thường xuyên những thông tin về đời sống kinh tế, tình hình an ninh trật tự và tình làng nghĩa xóm ngay tại các thôn, buôn lại càng có ý nghĩa hơn. Nhờ việc thăm hỏi động viên kịp thời, thường xuyên và liên tục tới bà con giáo dân, đã giúp bà con thêm tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 133.000/151.479 hộ gia đình; 673/713 thôn, buôn, tổ dân phố; 829/863 cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.

Mục sư Y Đăng. đạo Tin lành và cán bộ xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song ngồi nói chuyện cùng bà con 

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã được trang bị 151 Nhà văn hóa cộng đồng, có 151 bộ cồng chiêng, có 283 bộ trang phục truyền thống cho các nghệ nhân, đội văn nghệ truyền thống, xây dựng được 60 lớp truyền dạy cồng chiêng có sự tham gia đóng góp tích cực của người có uy tín . Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Về công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương: Người có uy tín, chức sắc tôn giáo và các già làng đã phát huy vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không theo, không nghe, không tin vào các thông tin, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, phản bác chế độ, làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của Đảng và Nhà nước; vận động quần chúng nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn, sự kích động, lôi kéo gây mất đoàn kết nội bộ của các thế lực thù địch, làm thất bại mọi âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; không mơ hồ, chủ quan, ảo tưởng…; tuyên truyền đến bà con nơi có đạo không theo các tà đạo, “đạo lạ”, sống tốt đời, đẹp đạo, phụng sự Tổ quốc, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Già làng YMok Dra, xã Krông Năng, huyện Buôn Đôn ngồi nói chuyện với bà con ở Nhà rông. 

Người có uy tín là các chức sắc tôn giáo luôn tích cực tham gia các phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới; luôn chủ động đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; tuyên truyền, củng cố mối quan hệ “tình làng nghĩa xóm” trong nhân dân, giữ gìn lối sống hòa thuận, đoàn kết trong buôn làng. Tiêu biểu trong phong trào này như: tại huyện Buôn Đôn, có ông Y Khái Niê (buôn Ea Mar, xã Krông Na), ông Tô Đình Thuần (thôn 7, xã Tân Hòa) đã có nhiều thành tích tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng trong cộng đồng dân cư nơi cư trú; tại huyện Krông Ana, có ông Y Nuốt Niê (Buôn K63, xã Băng Drênh), bà H Phong Niê (buôn Kuôp, xã Dray Sap), ông Y Rin Hmok (Buôn Ea Kruê, xã Ea Bông), ông Tào Văn Cấp (Buôn Krông, xã Dur Kmăl),ông Ksơr Ngãi (Buôn Ea Na, xã Ea Na) là những người có uy tín, đã có nhiều đóng góp trong việc phối hợp với chính quyền cơ sở hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Khánh Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực