Tháo gỡ khó khăn với hội viên, nâng cao vị thế của chị em trong gia đình, xã hội

Thứ hai, 18/12/2023 21:49
(ĐCSVN) - Các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội không chỉ giúp cho hội viên ổn định cuộc sống để chăm lo cho bản thân và gia đình, mà quan trọng hơn những hoạt động hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã đã tạo được sự gắn kết chia sẻ giữa tổ chức Hội với hội viên, để tổ chức Hội kịp thời chia sẻ, động viên, tháo gỡ khó khăn với hội viên, nâng cao vị thế của chị em trong gia đình, xã hội.

Người dân thôn 6, xã Tiến Xuân ít ai không biết tới hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hường. Một mình nuôi 2 con, trước đây chị Hường luôn sống trong cảm giác tự ti, bất an, lo lắng bởi "thấy thua kém mọi người, không biết phải xoay xở thế nào để chăm lo cho các con đang tuổi ăn, tuổi học", chị Hường nói.

Mô hình mây giang đan của chị Hường giúp nhiều hội viên, phụ nữ trong xã có thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng

Chia sẻ hoàn cảnh với chị Hường, cán bộ Hội LHPN xã Tiến Xuân đã giúp đỡ để chị Hường học nghề mây giang đan và hỗ trợ cho vay  vốn. Với tinh thần chịu khó học hỏi, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, chị Hường đã phát triển được mô hình mây giang đan với kết quả gây bất ngờ: "Đến nay, tôi không chỉ giúp chính bản thân mình khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau, cải thiện cuộc sống, lo cho các con mà còn duy trì việc làm cho 35 đến 50 công nhân với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí tôi thu về được chừng 300 triệu đồng/năm", nụ cười đã trở lại trên gương mặt người phụ nữ vốn chịu nhiều thử thách.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc 

Không chỉ giúp trường hợp của chị Hường có cuộc sống sang trang mới, chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết,  những năm qua Hội LHPN xã Tiến Xuân luôn làm tốt công tác đào tạo nghề, định hướng, giới thiệu việc làm cho hội viên,  phụ nữ.

"Là xã vùng đồng bào dân tộc của huyện Thạch Thất, nhân dân chủ yếu sinh sống theo các triền đồi, Trục đường tỉnh lộ 446, đại lộ Thăng long kéo dài đi Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, với nguồn nhân lực dồi dào, hội viên, phụ nữ xã đảm bảo cho việc xây dựng các mô hình kinh tế", chị Ngọc nói.

Rồi không chỉ dừng lại ở suy nghĩ thoáng qua, Hội LHPN xã đã đi đầu trong công tác vận động, hỗ trợ chị em về kiến thức, kỹ thuật, vốn vay qua các kênh Ngân hàng chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình từ đó, nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ đã được thành lập.

"Chị Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thị Quyên, Vũ Thị Liên từng không có việc làm ổn đinh, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ngân hàng chính sách hỗ trợ cho chị em vay vốn theo chương trình Giải quyết việc làm rồi giúp đỡ học nghề, định hướng khởi sự kinh doanh. Đến nay, các chị đều có việc làm với mức thu nhập ổn định từ việc làm mành rèm, dệt may hay dịch vụ hoa tươi... hay chị Bùi Thị Minh, thôn 3 với mô hình chăn nuôi lợn rừng, dê theo hướng thực phẩm sạch. Rồi Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi gà thả đồi với 15 thành viên, Hội LHPN xã làm "bà đỡ" kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong tổ nên thu nhập được cải thiện rõ rệt", chị Ngọc ví dụ về những người thật, việc thật.

Để có được kết quả đó thì nếu người đứng đầu không tiên phong, gương mẫu thì thật khó có được "tiếng nói chung" để thuyết phục được chị em làm theo. "Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi gà thả đồi, gia đình tôi đã đầu tư với quy mô hằng năm xuất ra thị trường 7000-10.000 con gà thương phẩm mạnh dạn nâng cao chất lượng sản phẩm bằng mô hình gà trống thiến đem lại giá trị kinh tế cao và đang hoàn thiện thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP. Dịp Tết Nguyên đán 2024 dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường 1.000 con gà trống thiến và 3.000 con gà thương phẩm sạch. Ngoài việc thực hiện chăn nuôi gà thả đồi, gia đình tôi còn thực hiện mô hình chăn nuôi lơn rừng và nuôi dê theo hướng thực phẩm sạch", chị Ngọc hồ hởi nói. 

 Ẩm thực của xã được hội viên, phụ nữ xã quảng bá đến du khách

"Và hiệu quả từ việc thực hiện mô hình phát triển kinh tế đó là đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5- 6 lao động có thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, hằng năm trừ chi phí gia đình thu về lợi nhuận 400 triệu đồng. Với mức thu nhập đáng kể đã nâng cao chất lượng cuộc sống, hơn hết là phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Các thành viên trong gia đình tôi luôn yêu thương, chia sẻ, đầy ắp tiếng cười", chị Bùi Thị Ngọc bày tỏ. 

Ngoài các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và khởi sự kinh doanh, Hội LHPN xã Tiến Xuân còn là nòng cốt trong việc thành lập đội văn nghệ du lịch cộng đồng.

Đến nay, 5/7 chi hội thành lập đội văn nghệ văn hóa du lịch cộng đồng phục vụ các chương trình giao lưu văn nghệ, các sự kiện, homstay, farmstay trong và ngoài địa bàn. Qua đây, chị em, phụ nữ đã giới thiệu được những đặc trưng, nét đẹp giàu bản sắc truyền thống của dân tộc, từ văn hóa đời sống, trang phục, ẩm thực, chiêng Mường, múa hát dân ca của dân tộc đến du khách. Đây là một mô hình phát triển kinh tế tiềm năng đem lại thu nhập cao cho hội viên, phụ nữ.

Chị Bùi Thị Ngọc giới thiệu các sản phẩm được làm bởi phụ nữ dân tộc xã Tiến Xuân

"Các mô hình không chỉ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình các chị, mà còn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên và nhân dân. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,17%. Chúng tôi vui mừng bởi các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Tiến Xuân, không chỉ giúp cho hội viên ổn định cuộc sống để chăm lo cho bản thân và gia đình, mà quan trọng hơn những hoạt động hỗ trợ của Hội  Phụ nữ xã đã tạo được sự gắn kết chia sẻ giữa tổ chức Hội với hội viên, để tổ chức Hội kịp thời chia sẻ, động viên, tháo gỡ khó khăn với hội viên, nâng cao vị thế của chị em trong gia đình, xã hội", Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân chia sẻ./.

 

Hiếu Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực