Bình Thuận tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thứ tư, 13/09/2023 15:42
(ĐCSVN) – Sau khi ghi nhận một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế Bình Thuận tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), 14 ca tử vong do bệnh này; trong đó, Bình Thuận đã ghi nhận 1 ca tử vong. Và Bình Thuận cũng là một trong số các tỉnh, thành có ca mắc SXH cao. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh 8.628 ca, Hà Nội 5.190 ca, An Giang 3.161 ca, Bình Thuận 3.118 ca, Đồng Nai 3.114 ca, Bình Dương 2.482 ca, Sóc Trăng 2.481 ca.

 Người dân thay nước, cọ lu diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Trang Minh)

Bình Thuận ghi nhận 3.118 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Đó là bệnh nhân nữ 51 tuổi ở Đức Linh khởi phát sốt ngày 30/7/2023 với triệu chứng đau đầu, sốt, chóng mặt, buồn nôn. Bệnh nhân có 2 lần đến 2 phòng khám tư nhân khác nhau, uống thuốc không thấy giảm. Sau đó, bệnh nhân nhập viện ở Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam (4/8). Bác sĩ chẩn đoán sốc SXH nặng đầu ngày 6, xuất huyết đường tiết niệu, theo dõi rối loạn đông máu và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy (7/8). Lúc 21g40 phút ngày 7/8/2023, bệnh nhân tử vong, với chẩn đoán SXH nặng, viêm phổi do vi khuẩn không đặc hiệu, bệnh lý tăng huyết áp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, sau khi xảy ra trường hợp tử vong do SXH ở Đức Linh, Trung tâm Y tế huyện Đức Linh tiến hành phun hóa chất theo quy định và điều tra véc tơ trong phạm vi 200 m kể từ nhà bệnh nhân. Kết quả là chỉ số lăng quăng, bọ gậy 26,7%, mật độ muỗi 0,6; chỉ số nhà có muỗi 23,3%. Bên cạnh đó, trạm y tế phối hợp địa phương triển khai diệt lăng quăng, đảm bảo chỉ số Breteau <20.

Sở Y tế Bình Thuận nhận định: Bình Thuận hiện đang vào mùa cao điểm của SXH. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế tỉnh yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện theo dõi, giám sát chặt tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, các ổ dịch mới phát sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống  sốt xuất huyết tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Hồng Hiếu)

Thêm vào đó, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca nặng nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH.

Đồng thời, Sở Y tế Bình Thuận khuyến cáo: Khi bị sốt, người dân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm bệnh SXH nếu có. Một khi bệnh SXH chẩn đoán sớm, điều trị đúng, kịp thời, bệnh nhân tránh tình trạng bệnh trở nặng, tránh biến chứng và được cứu sống. Mỗi gia đình dành 10 phút, dọn vệ sinh, diệt lăng quăng và muỗi. Mỗi người dân tự thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt.

Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh sốt xuất huyết ở Bình Thuận có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Thuận, trước tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tham mưu thực hiện các hoạt động diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động cũng như kiểm tra, giám sát lăng quăng tại các địa phương; phát hiện và xử lý các ổ dịch, ổ bệnh kịp thời.

CDC phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tuyên truyền cách nhận biết và phòng tránh bệnh sốt xuất huyết… trong cộng đồng.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, ý thức phòng bệnh của mỗi người dân là vaccine hữu hiệu nhất./.

Kiều Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực