Các địa phương đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Thứ năm, 29/02/2024 08:14
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau Tết Nguyên đán, người dân tại các tỉnh thành trên cả nước nô nức đi lễ hội đầu Xuân. Ngoài công tác tổ chức lễ hội trang trọng, vui tươi thì việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội cũng được các địa phương rất quan tâm.
Dịch vụ ăn uống tại lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi). Ảnh: Đào Doan

*Hưng Yên: Một số lễ hội đáng chú ý của Hưng Yên sau Tết Nguyên đán như: Lễ dâng hương tưởng niệm Tướng quân Phạm Ngũ Lão tại Di tích lịch sử - văn hóa đền Phù Ủng (Ân Thi), Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến là địa chỉ hấp dẫn của nhiều khách thập phương trong cả nước. Năm nay, Lễ hội dân gian Phố Hiến được tổ chức từ ngày 29/2 đến ngày 2/3 (từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng). Trong kế hoạch tổ chức lễ hội, ban tổ chức đã có phương án bảo đảm an toàn thực phẩm, đôn đốc, nhắc nhở, ký cam kết đối với các cá nhân làm dịch vụ ăn uống; thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên trong những ngày diễn ra lễ hội…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ra quân kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các địa phương, địa điểm diễn ra lễ hội. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm nhanh, lấy mẫu kiểm nghiệm đối với nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc.

*Vĩnh Phúc: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lễ hội được tổ chức quy mô, thu hút hàng vạn lượt du khách đến du Xuân, trẩy hội. Tiêu biểu như hội kéo Song Hương Canh, lễ hội chọi trâu (Hải Lựu), lễ hội rước nước, lễ hội cướp bông, lễ hội đúc bụt, lễ hội xuống đồng, lễ hội Tây Thiên…

Để bảo vệ sức khỏe cho du khách dịp lễ hội, Ban Chỉ đạo liên ngành về an ninh, an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, giao 3 sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở thực phẩm, nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực các ngành quản lý trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 20/3/2024.

Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, kịp thời ứng phó khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra. Các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh cũng tập trung truyên truyền, phổ biến các kiến thức và quy định về an toàn thực phẩm đến người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và chính quyền các cấp, nhà quản lý.

Trong dịp này, Sở Y tế đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội đối với 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

 Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố Hạ Long.

*Quảng Ninh: Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có hơn 300 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, tập trung chủ yếu vào tháng Giêng với lượng người tham gia rất lớn. Đây cũng là thời điểm “vàng” cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động. Để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm  (ATTP) trong mùa lễ hội, ngay từ trước Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024.

Theo đó, 100% Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai và ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân năm 2024. Theo đó, đã có 203 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP các cấp được thành lập để triển khai nhiệm vụ kiểm tra về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn tỉnh.

Ngay từ trước và trong Tết, các địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường truyền thông, phổ biến các quy định về ATVSTP, cũng như yêu cầu các cơ sở, đơn vị kinh doanh ký cam kết trong việc chấp hành nghiêm các quy định này. 100% các địa phương đã đồng loạt triển khai các hoạt động tuyên truyền với hình thức phong phú, đa dạng như : tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh tại khu phố, thôn xóm và tại các chợ trung tâm của địa phương, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi nói chuyện, sinh hoạt hội phụ nữ, tổ khu, xóm phố. Tính đến hết ngày 16/2/2024, toàn tỉnh đã tổ chức được 207 buổi tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP, các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, các quy định của pháp luật trong việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hơn 30.000 tờ rơi, treo 415 băng rôn, khẩu hiệu; trao hơn 2000 quyển sổ tay tuyên truyền ATTP và 3211 cuốn lịch để bàn.../.

Châu An (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực