Cần có thêm nhiều dữ liệu khoa học để Việt Nam đánh giá tác động của thuốc lá mới
Vấn đề kiểm soát thuốc lá mới hiện vẫn chưa có kết luận thống nhất. Hiện các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề này vẫn đang trong tiến trình thảo luận để tìm tiếng nói chung.
Đại diện Bộ Y tế - đơn vị trưởng đoàn đại diện Việt Nam tham gia các kỳ COP vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nêu rõ: “Vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng, tổng thể, khách quan, khoa học, từ đó mới có thể đưa ra được đề xuất, kiến nghị chính sách phù hợp đối với thuốc lá mới”.
|
COP10 năm nay tiếp tục tập trung bàn luận về các sản phẩm giảm tác hại thuốc lá đã được nêu ra tại COP9. (Nguồn: COPWATCH ) |
Hiện, cộng đồng y học trong và ngoài nước vẫn đang đưa ra ra các quan điểm đa chiều về khoa học và tính ảnh hưởng của thuốc lá mới. Song, thực tế cho thấy các kết quả nghiên cứu khoa học cần có nhiều thời gian để thực hiện, ví dụ như nghiên cứu dịch tễ học về tác động lâu dài lên cơ thể cần ít nhất từ 15 – 20 năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển của sản phẩm luôn thay đổi mỗi ngày về hình dáng, cấu tạo và mức độ phổ biến.
Trong bối cảnh đó, một số nước đã mạnh dạn tận dụng nền tảng pháp luật hiện hành của từng quốc gia để thắt chặt kiểm soát thuốc lá mới, hợp pháp hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dùng, triệt tiêu sự bành trướng của thị trường chợ đen, từ đó hoàn thiện vai trò điều tiết ngành hàng thuốc lá của chính phủ. Song song đó, các tổ chức y tế quốc tế và cơ quan y tế của các quốc gia vẫn không ngừng thực hiện các đánh giá khoa học toàn diện lên sản phẩm.
Hiện nay ở nước ta, lượng nghiên cứu về sản phẩm thuốc lá mới vẫn khá khiêm tốn. Cụ thể, năm 2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ đưa ra 3 tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá làm nóng. Hai năm sau, Viện tiếp tục công bố 4 tiêu chuẩn quốc gia về thuốc lá điện tử. Với lượng dữ liệu hạn chế này, sẽ còn khá sớm để Việt Nam đưa ra những khẳng định liên quan tới thuốc lá mới tại kỳ họp COP10 diễn ra tại Panama vào tháng 11 tới đây.
Kinh nghiệm từ thế giới khi kiểm soát thuốc lá mới
Trong khi Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các giải pháp, tiếng nói chung để kiểm soát thuốc lá mới, thì khi đó, thế giới đã tiến đến giai đoạn đánh giá hiệu quả của các sản phẩm này đem lại những tác động như thế nào đối với xã hội, cộng đồng.
Tại Châu Âu, Thụy Điển đã hợp pháp hóa một số sản phẩm thuốc lá mới với nhiều điều luật chặt chẽ. Bước đi đó đã giúp tỷ lệ người hút thuốc lá điếu tại nước này giảm ấn tượng xuống mức 5,8% vào năm 2022, dự kiến sẽ giảm còn 5% trước năm 2030. Với đà này, Thụy Điển được dự đoán trở thành quốc gia không khói đầu tiên trong lịch sử. Hiện đây cũng là nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc và tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc lá điếu thấp nhất toàn Châu Âu.
Còn tại Châu Á, Nhật Bản cũng đã đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý từ 2014. Sau 5 năm, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá ở quốc gia này giảm đến 44%, khiến cho tỷ lệ hút thuốc lá hằng ngày giảm mạnh từ 19,3% xuống còn 13,1% trong giai đoạn từ năm 2013-2019.
|
So với Úc, 2 nước Nhật và Anh có tốc độ giảm tiêu thụ thuốc lá vượt bậc hơn. Nguồn: thanhnien.vn. |
Trong khi đó, ở một số quốc gia thực hiện lệnh cấm thuốc lá mới như Úc, tỷ lệ giảm tiêu thụ thuốc lá chỉ giảm được chưa tới 2%, từ 16,4% vào năm 2013 xuống 14,7% vào năm 2019 - một con số không đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trên toàn cầu cũng kêu gọi các cơ quan uy tín như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay WHO cần tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn về thuốc lá mới, để bổ sung cơ sở tham khảo cho các nước thiếu điều kiện nghiên cứu như Việt Nam tham khảo.
Do đó kỳ họp COP10 sắp tới cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam cũng như các nước thành viên đề nghị WHO cần có những nghiên cứu kỹ thuật sâu hơn dựa trên những dữ liệu dựa trên khoa học gần nhất về các sản phẩm này. Những nghiên cứu này sẽ làm cơ sở tham khảo hữu ích cho Việt Nam và các nước đưa ra các quyết định phù hợp trong việc ứng xử với thuốc lá mới, đáp ứng quyền lợi cân bằng giữa các chủ thể liên quan, cũng như điều kiện thực tế của quốc gia./.