Vì sao tăng tỷ lệ hút thuốc lá mới?

Thứ tư, 29/11/2023 09:21
(ĐCSVN) – Do chưa ban hành chính sách kiểm soát thuốc lá mới, khiến tình trạng nhập lậu các sản phẩm này ngày càng leo thang. Hệ lụy kéo theo là tỷ lệ giới trẻ dùng các sản phẩm này ngày càng gia tăng và sức khoẻ bị đe dọa khi tiếp cận hàng lậu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Đây là nhận định của Giáo sư (GS.) David Khayat – Tác giả các kế hoạch phòng chống ung thư quốc gia tại Pháp, trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây.

Trong khuôn khổ hội thảo chủ đề “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư” do Bệnh viện K Trung ương (Bộ Y tế) vừa tổ chức ngày 2/11, GS. Khayat đã được mời để cập nhật những hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết gánh nặng ung thư do khói thuốc lá.

Sức khỏe có nguy cơ bị đe dọa từ lỗ hổng quản lý

 

Phiên trình bày của GS. David Khayat về các yếu tố gây ung thư ở Việt Nam (Nguồn ảnh: Bệnh viện K). 

Theo GS. David Khayat, Việt Nam hiện vẫn chưa ban hành chính sách kiểm soát thuốc lá mới, khiến tình trạng nhập lậu các sản phẩm này ngày càng gia tăng. Hệ lụy kéo theo là người dùng bị đe dọa sức khỏe của khi tiếp cận các sản phẩm lậu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; ngành y tế phải chịu thêm nhiều gánh nặng, trật tự xã hội cũng bị ảnh hưởng.

GS. Khayat nhấn mạnh: Khi nhu cầu hiện hữu, việc thiếu nguồn cung chính danh sẽ gián tiếp thúc đẩy việc tiêu thụ trái phép. Cụ thể hơn, “khi không cho phép thuốc lá mới được kinh doanh công khai, thì người dân sẽ mua chui, không kiểm soát được”, GS. Khayat nhấn mạnh.

Vấn đề buôn lậu thuốc lá mới cũng đã được các chuyên gia trong nước liên tục cảnh báo. Gần đây nhất, tại tọa đàm "Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng do Báo Đại biểu Nhân Dân tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ĐBQH Trương Xuân Cừ cũng khẳng định: "Chúng ta cần quản lý nguồn hàng, vì thuốc lá mới chưa được sản xuất trong nước, hiện tất cả đều là hàng nhập lậu". Cập nhật từ Bộ Công Thương, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp cũng nêu thực trạng: Lực lượng chức năng đã tăng cường phòng, chống buôn lậu song “tình hình vẫn diễn biến phức tạp”.

Mặt khác, GS. Khayat cũng chia sẻ thêm vì sao việc cấm thuốc lá mới là không khả thi như những gì đã làm trước đây với thuốc lá điếu.

Theo GS. Khayat, từ thập niên 90, thuốc lá đã được xác nhận là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, dẫn đến tử vong. Sau 3 thập kỷ, thuốc lá vẫn giữ nguyên vị trí này, bất chấp chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã có nhiều biện pháp nghiêm ngặt như cấm thuốc lá nơi công cộng, tăng giá, cấm quảng cáo…

GS. David Khayat chia sẻ thông tin tại Hội thảo. Ảnh: TL. 

Từ dữ liệu thực tế cho thấy việc cố gắng loại bỏ hoàn toàn thuốc lá ra khỏi đời sống của con người tại nhiều quốc gia đã không đem lại hiệu quả.

Do đó, nếu không thể loại bỏ hoàn toàn thuốc lá, GS. Khayat cho rằng cần loại bỏ khói thuốc lá – nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Theo đó, chỉ cần giảm hàm lượng các chất độc hại phát sinh ra từ điếu thuốc lá do đốt cháy, thì sẽ giảm mức tiếp xúc với các chất sinh ung thư. Theo GS. Khayat, với những người nghiện thuốc khó cai, có thể lựa chọn giải pháp thay thế là các sản phẩm không khói, ví dụ như thuốc lá làm nóng. Ông cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học từ FDA Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan… đều cho thấy, sử dụng thuốc lá làm nóng sẽ giảm 10-25 lần nguy cơ tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong khói thuốc, tương đương giảm 80-98%.

Cần có thêm nhiều giải pháp để giảm tác hại thuốc lá

Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư, TS.BS. Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K nhận định, số ca bệnh ung thư ngày càng nhiều hơn. Trong đó, khói thuốc lá là một tác nhân nghiêm trọng, sinh ra khoảng 15 bệnh lý ung thư. Tuy nhiên, BS. Tú cho biết với những bệnh nhân ung thư và có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc lá, mặc dù các bác sĩ đều giải thích và rất quyết liệt trong các phương pháp hỗ trợ bệnh nhân để cai nghiện nhưng hơn 64% trong số đó vẫn tiếp tục hút.

Trước thực tế trên, TS.BS. Đào Văn Tú cho rằng với trường hợp này thì việc chuyển từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thay thế giảm độc hại là lựa chọn tốt. "Điều này hứa hẹn trong tương lai sẽ kiểm soát được nhiều vấn đề bệnh tật bằng các công cụ khác nhau để giảm tác hại thuốc lá", TS.BS. Đào Văn Tú nói.

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch  Liên chi hội Hô hấp TP.Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, những người đang hút thuốc lá điếu, nhất là với người bệnh, nếu đã nỗ lực hết sức rồi mà vẫn không thành công thì hãy thay đổi hành vi để giảm tác hại.

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc cũng đã chia sẻ nghiên cứu của Hội tim mạch châu Âu trên tạp chí Circulation: Nếu không đốt cháy điếu thuốc lá mà thay bằng hình thức làm nóng thì tỷ lệ sản sinh những chất gây độc trên tim mạch, trên chức năng tiểu cầu giảm đi tới 95%.

Hiện, Nhật Bản là một trong những quốc gia sớm công nhận lợi ích của thuốc lá làm nóng. Cũng theo chia sẻ của GS. Khayat, các sản phẩm thuốc lá này đã ghi nhận được những kết quả tích cực. Theo thông tin từ vị giáo sư người Pháp, từ khi Chính phủ Nhật cho phép kinh doanh thuốc lá làm nóng vào năm 2014, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu giảm xuống nhiều, giúp giảm gánh nặng điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến khói thuốc, cũng như đẩy nhanh tiến trình giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại quốc gia này.

Có thể thấy, cai thuốc lá luôn là giải pháp tốt nhất, tuy nhiên khi mọi nỗ lực cai thuốc đều thất bại, thì nên cân nhắc đến các giải pháp giảm tác hại. Do đó, GS. Khayat khuyến nghị, việc hợp pháp hóa các loại thuốc lá mới dưới những quy định kiểm soát chặt chẽ… sẽ là giải pháp giảm nguy cơ đối với các bệnh lý do khói thuốc gây ra. Điều này sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng y tế, cũng như tránh thất thu thuế nhà nước./.

Hữu Thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực