Tìm giải pháp kiểm soát thuốc lá phù hợp với từng quốc gia

Thứ sáu, 29/09/2023 10:00
(ĐCSVN) - Việt Nam sẽ tham gia đóng góp tiếng nói vào chiến lược kiểm soát thuốc lá nói chung, thuốc lá mới nói riêng tại COP10 năm nay cùng 193 nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ). Việc tham gia, chung tay và tiếng nói của các bộ, ngành liên quan đại diện cho các nước có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi cục diện về tình trạng hút thuốc lá điếu hiện nay.

Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (COP) được thiết lập bởi các quốc gia thành viên và do WHO tổ chức, chủ trì với mục tiêu ban đầu hướng đến giảm tỷ lệ tử vong cho người hút thuốc bằng những hành động thực tiễn. Vì vậy, với kỳ hội nghị lần thứ 10 (COP10) năm nay, các chuyên gia trên toàn cầu kỳ vọng mục tiêu này sẽ không thay đổi. Theo đó các giải pháp giảm tác hại cho người hút thuốc bằng các sản phẩm thuốc lá mới có khả năng thay thế cho thuốc lá điếu cần được WHO và chính phủ các nước nhìn nhận công tâm thông qua bằng chứng khoa học đa chiều và dữ liệu đời thực của nhiều quốc gia.

Chiến lược kiểm soát thuốc lá: Cần phù hợp với tình hình thực tế từng quốc gia

Hiện, WHO vẫn đang thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học toàn diện về thuốc lá mới. Song, các chuyên gia quốc tế cho rằng, bên cạnh những khuyến nghị do WHO đề ra, mỗi quốc gia đều có quyền chủ động lựa chọn chính sách kiểm soát thuốc lá dựa trên điều kiện thực tiễn, văn hóa, hành vi tiêu dùng của xã hội, cũng như mục tiêu cao nhất cho mỗi quyết định vẫn là đặt tỷ lệ thương vong do hút thuốc lá gây ra về mức thấp nhất. Theo đó, cần cân nhắc thêm các giải pháp giảm tác hại bên cạnh việc theo đuổi chính sách khuyến khích người hút thuốc cai bỏ thuốc lá như hiện nay.

Đến nay, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách quản lý thuốc lá mới, dựa trên nền tảng pháp lý hiện có và điều kiện thực tiễn của nước sở tại cùng với những ghi nhận tích cực về dữ liệu đời thực.

Cụ thể, Nhật Bản đã bắt đầu quản lý các sản phẩm thuốc lá mới từ năm 2014, trong đó có thuốc lá làm nóng. Sau 5 năm luật hóa thuốc lá làm nóng, thị trường Nhật chứng kiến sự sụt giảm 34% doanh số bán thuốc lá điếu đốt cháy. Việc này giúp giảm đến 44% lượng thuốc lá tiêu thụ nói chung.

Ở thời điểm hiện tại, nước Nhật phân biệt chính sách quản lý thuốc lá mới rất rạch ròi. Thuốc lá làm nóng được xem là một sản phẩm thuốc lá hợp pháp, được chính thức đưa vào quản lý dưới Đạo luật Kinh doanh Thuốc lá 1984, với cơ quan chủ quản ngành là Bộ Tài chính. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine thì được xem như một loại dược phẩm, do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quản lý.

Đây là thông tin được Bác sĩ Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI, Nhật Bản nêu lên trong Diễn đàn Nicotine và Thuốc lá Toàn cầu (GTNF), tại Seoul ngày 20/9 vừa qua.

Bác sĩ Hiroya Kumamaru công bố thành tựu giảm 34% doanh số thuốc lá điếu của Nhật Bản tại Diễn đàn GTNF sáng ngày 20/9. 

Còn tại Thụy Điển, tỷ lệ người hút thuốc lá điếu của quốc gia này giảm chỉ còn 5,8% vào năm 2022, theo số liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển. Nếu tiếp tục giảm còn 5% trước 2030, Thuỵ Điển sẽ trở thành quốc gia không khói đầu tiên trên giới. Các chuyên gia cho rằng, thành tựu này là nhờ vào việc Thụy Điển đã hợp pháp hoá thuốc lá ngậm snus cho người hút thuốc lá điếu, đây là sản phầm có hàm lượng chất gây hại thấp hơn, đã lưu hành tại Thụy Điển từ năm 2019.

Cần cân nhắc lựa chọn biện pháp kiểm soát thuốc lá mới dựa trên khoa học

Tại Việt Nam, chính sách quản lý thuốc lá mới vẫn còn đang nằm trong tiến trình thống nhất giữa các Bộ, ngành. Tại một phiên thảo luận gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phân tích: "Vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách thận trọng, tổng thể, khách quan, khoa học, từ đó mới có thể đưa ra được đề xuất, kiến nghị chính sách phù hợp đối với thuốc lá mới".

Cần cân nhắc lựa chọn biện pháp kiểm soát thuốc lá mới dựa trên khoa học. Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamplus.vn 

Tuy chưa có những nghiên cứu khoa học toàn diện, nhưng nhìn vào tình trạng buôn lậu thuốc lá mới hiện nay cùng những dữ liệu thực tiễn sẵn có trên toàn cầu, Việt Nam vẫn có đủ cơ sở để chủ động đưa ra chính sách kiểm soát thuốc lá mới thay vì lệ thuộc vào các khuyến nghị quốc tế. Trong suốt nhiều năm qua Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc họp giữa các Bộ ngành liên quan để bàn về việc quản lý đối với thuốc lá mới. Đến nay có ý kiến cho rằng các sản phẩm thuốc lá mới cần kiểm soát thông qua việc nghiên cứu cơ sở pháp lý hệ thống pháp luật hiện hành cũng như cần có các bước đi thận trọng. Trên cơ sở đó, việc thí điểm những mặt hàng này nên được xem xét trong bối cảnh cần đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dùng. Đây cũng là nhu cầu được pháp luật công nhận, nên phải gián tiếp bảo vệ họ bằng việc cung cấp những sản phẩm hợp pháp, dưới sự kiểm soát, điều phối của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khẳng định thuốc lá mới đã tồn tại trên toàn cầu, đây là sự thật không thể chối bỏ. Việt Nam cũng như các nước khác cần nhìn nhận sự tồn tại của loại hàng hóa này và nghiên cứu một cách sâu rộng, toàn diện. Vì thế, việc tiếp tục nghiên cứu các cơ sở khoa học hiện có kết hợp cùng dữ liệu đời thực sẽ hỗ trợ cho các cơ quan Bộ ngành đưa ra những quyết định phù hợp hướng tới mục đích hài hòa lợi ích các chủ thể liên quan, từ người hút thuốc, người hút thuốc thụ động, cho đến cả thanh thiếu niên.

Các chuyên gia toàn cầu cũng khuyến nghị WHO và Ban Thư ký cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu và cập nhật liên tục các vấn đề của thuốc lá mới. Đây chính là cơ sở tham khảo cho các quốc gia thành viên chưa thể tự thực hiện các nghiên cứu, trong đó có Việt Nam, cân nhắc để lựa chọn biện pháp kiểm soát phù hợp đối với thuốc lá mới, hướng tới mục tiêu tiên quyết là bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Trung Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực