Trong phiên trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (Nghị định 67) để có hình thức quản lý phù hợp. Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay.
Về quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ Y tế không ủng hộ, tuy nhiên Bộ Tư pháp lại yêu cầu đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của hệ thống luật hiện hành hiện nay. Theo đó, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa vào Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: TL. |
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, phương án quản lý thuốc lá mới phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, phải đảm bảo chặt chẽ với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người dùng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể, phù hợp thông lệ quốc tế và những hiệp định mà Việt Nam ký kết.
Cấm không đồng nghĩa với loại trừ hoàn toàn thuốc lá mới
Trong buổi giao lưu trực tuyến 21/11 trên Báo Thanh Niên vừa qua, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù việc cấm thuốc lá mới ở một số nước cho thấy giảm tỷ lệ sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ. Nhưng mặt khác, việc cấm cũng không đồng nghĩa với việc có thể loại trừ hoàn toàn các sản phẩm này. Sẽ vẫn luôn có các sản phẩm nhập lậu được đẩy vào thị trường”.
Gần đây nhất, Ủy ban Đặc biệt do Viện Dân biểu Thái Lan thành lập nhằm xem xét lợi ích của các biện pháp quản lý thuốc lá mới thừa nhận, các sản phẩm này đang tiếp tục trở nên phổ biến ở Thái Lan, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu và kinh doanh đã có hiệu lực trong suốt 9 năm qua. Theo các chuyên gia Thái Lan, hiện trạng này đã dẫn đến các vấn đề bất cập về thất thu thuế, tham nhũng, thị trường chợ đen lộng hành, vấn đề về an toàn sản phẩm và quan trọng đặc biệt là việc dễ dàng tiếp cận của giới trẻ thông qua thị trường dù phi pháp nhưng lại phổ biến.
Tương tự, mặc dù Việt Nam chưa cho phép kinh doanh đối với thuốc lá mới, nhưng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này từ thị trường chợ đen ngày càng gia tăng. Đến nay, thực tế đã tồn tại những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, bị lợi dụng bơm vào chất cấm… gây nhiều hệ lụy lên cả xã hội và ngành y. Đồng thời, ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu do bỏ lọt nguồn thuế từ ngành hàng này, trong khi vẫn phải đầu tư chi phí để phòng chống buôn lậu.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý đối với mặt hàng thuốc lá mới
Trước đó, tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” tổ chức vào ngày 19/10 vừa qua tại Hà Nội, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp, tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, WHO đã công nhận sự tồn tại của các sản phẩm thuốc lá làm nóng (nung nóng), và các sản phẩm thuốc lá mới khác. WHO cũng đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia là nên tiếp tục giám sát sản phẩm trên thị trường, quản lý sản phẩm theo chính sách và quy định áp dụng cho tất cả sản phẩm thuốc lá theo Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC).
Ông Quý cũng cho biết, Bộ Công thương đã hai lần trình Chính phủ về việc quản lý thuốc lá mới. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách thí điểm quản lý thuốc lá mới, cần có sự thống nhất giữa Bộ Công thương và Bộ Y tế. Hai Bộ cũng đã có hai cuộc họp chính thức để thảo luận nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 67, trong đó bao gồm phương án quản lý thuốc lá mới.
|
Ông Cao Trọng Quý. Ảnh: TL |
Trước đó, đại diện Bộ Công thương cũng thông tin tại hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm”: trong giai đoạn thí điểm dự kiến trong 5 năm tới, Bộ Công Thương sẽ tiến hành đánh giá tác động của thuốc lá làm nóng trước khi đề xuất với Chính phủ kế hoạch tiếp theo.
Mặt khác, ông Cao Trọng Quý cũng khuyến nghị, cần phân biệt rõ thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để có phương án quản lý phù hợp.
Liên quan đến nội dung này, ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng đưa ra nhận định: “ Cần sớm thống nhất tên các loại thuốc lá mới, cần làm rõ đây đây là sản phẩm thuốc lá hay thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử. Các nhà chuyên môn cũng cần xem xét đặt tên cho chính xác hơn”...
Về góc độ pháp lý, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá theo quy định của luật hiện hành, thì đề xuất cần đưa định nghĩa thuốc lá mới đó vào định nghĩa về thuốc lá trong Nghị định 67 sửa đổi để làm cơ sở quản lý./.