Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua.
|
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định). Ảnh: QH |
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Chúng ta đã mua được thuốc tốt và những thuốc phổ thông, hiện tượng phải mua thuốc ngoài cũng giảm đi rất nhiều, trong khi đấy việc mua bán vật tư, tiêu hao y tế lại vô cùng rối.
Nguyên nhân khách quan là có quá nhiều quy định về pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.
Đại biểu dẫn chứng ở Bệnh viện Đại học Y trực thuộc Bộ Y tế nên được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, không bị thiếu dụng cụ, thuốc men. Khó khăn nhất hiện nay là không mua được hàng chất lượng tốt, phát triển kỹ thuật mới.
Đại biểu cũng nêu việc rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ chấp nhận hãng chất lượng tốt có chế độ bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.
“Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế” - đại biểu nói.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 1/11 (Ảnh: QH) |
Ngoài ra, theo đại biểu nhiều năm nay, việc cấp phép nhập khẩu cho phép sử dụng các dụng cụ mới tại Việt Nam bị bế tắc. “Bản thân tôi vẫn phải đưa bệnh nhân sang nước ngoài để chữa vì không có các dụng cụ nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam. Các hãng lớn nhìn thấy các quy định về thủ tục, thời gian trung bình để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán, có những công ty không định hướng phát triển, thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam” – ông trăn trở.
Đối với bệnh viện tỉnh thì khó khăn càng nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Do đó, việc mua sắm phụ thuộc vào các Sở Y tế, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân, sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, cứ vậy là hết thời gian và cuối cùng chúng ta không có hàng để sử dụng cho người bệnh.
Chính vì vậy, đại biểu đề xuất giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật./.