Cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở

Thứ hai, 21/08/2023 17:19
(ĐCSVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đa số đại biểu ghi nhận những nỗ lực, những thành quả của y tế cơ sở, y tế dự phòng góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong thời gian qua.

Số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Ảnh: QH) 

Tham gia góp ý, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nhìn nhận, hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp rất nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách đối với lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục như: số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp; việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các xã miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu ở y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu liên thông; tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại biểu là do cơ sở vật chất, trang thiết bị trang bị cho y tế cơ sở thiếu và lạc hậu, y tế cấp xã hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn thu được phân bổ từ ngân sách nhà nước, nguồn thu dịch vụ hầu như không có nên rất khó khăn trong hoạt động; cơ hội, điều kiện để nhân viên y tế cơ sở trau dồi kinh nghiệm và học tập, nâng cao trình độ chuyên môn rất ít và rất khó khăn; chính sách đãi ngộ chưa đủ sức để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc tại tuyến cơ sở.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án luật để bổ sung hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bên cạnh  đó, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để tương xứng với công sức của họ khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu và đặc thù công việc.

 Cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã

Theo đại biểu, cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Cần tiếp tục áp dụng chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Xem xét bổ sung đối tượng viên chức ngành y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 101 ngày 1/9/2017 của Chính phủ.

Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và hỗ trợ thỏa đáng với các nguồn lực khác cho y tế cơ sở để y tế cơ sở đủ thức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các đơn vị hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào nguồn phân bổ ngân sách nhà nước, không có hoặc có rất ít các nguồn thu khác. Đồng thời, cân nhắc việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực giáo dục.

Xem xét, đánh giá cụ thể về hiệu quả và tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp để sử dụng và phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng y tế thôn, bản trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. “Tôi thấy vai trò của lực lượng y tế thôn, bản đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng cao, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất thiết thực, cần thiết phải được duy trì và phát huy” – đại biểu khẳng định.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở chưa đủ mạnh

Qua thực hiện giám sát thực tế tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) nêu vấn đề, số lượng nhân viên y tế cơ sở được bố trí theo định mức biên chế quy định hàng năm nhưng chưa đủ quy định, hàng năm vẫn phải tinh giản biên chế 10% số lượng biên chế hiện có. Bên cạnh đó, tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc gia tăng, nhất là sau giai đoạn phòng, chống dịch COVID. Theo báo cáo, số lượng bác sĩ tại các trạm y tế xã đã giảm 2.238 người, tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm xuống 71% năm 2020.

Ngoài các tồn tại và nguyên nhân như Báo cáo giám sát của Quốc hội đã nêu, đại biểu cho rằng rất cần quan tâm đến chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc tại y tế cơ sở. Hiện nay, chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó có khả năng thực hiện tiếp cận với y tế, nguy cơ tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ở những vùng này. “Mặc dù có những địa phương cũng đã ban hành chính sách thu hút bác sĩ về công tác y tế tại cơ sở. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đội ngũ y, bác sĩ xin chuyển vùng diễn ra phổ biến” - đại biểu nêu thực tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (Ảnh: QH) 

Mặt khác, đại biểu chỉ ra, theo Nghị định số: 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, thì người dân tộc thiểu số được cử tuyển phải có hộ khẩu 5 năm liên tục tại các xã đặc biệt khó khăn. Như vậy, các đối tượng thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới lại không thuộc đối tượng này. Mặc dù nông thôn mới nhưng đời sống của nhân dân vẫn rất nghèo, trong khi đó điều kiện tiêu chuẩn đầu vào của ngành y rất cao. Do vậy, có những địa phương hàng năm không có học sinh nào được cử tuyển dẫn đến việc người địa phương được đào tạo để quay về công tác lâu dài tại địa phương là khó thực hiện.

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, cùng với việc thực hiện chủ trương của Đảng sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thì sau khi sáp nhập thôn, bản thuộc các xã thì tổ dân phố, thôn, bản mới sáp nhập cơ bản có diện tích và quy mô dân số tăng, địa bàn rộng, việc đi lại và làm việc của nhân viên y tế thôn, bản ngày càng khó khăn hơn, mất nhiều thời gian nhưng phụ cấp của đội ngũ này lại rất thấp nên thiếu đội ngũ y tế là khó tháo gỡ.

Từ những lý do trên, đại biểu mong muốn Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề. Trước hết, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kể cả các xã về đích nông thôn mới để người học thuộc các địa bàn khó khăn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế được quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG, đồng thời nâng phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản từ 0,5 mức lương cơ sở lên 1,0% mức lương cơ sở trên người trên tháng…/.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực