Đánh giá kỹ các tác động khi chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội

Thứ năm, 03/08/2023 08:19
(ĐCSVN) - Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn cơ sở y tế nhưng các đơn vị này hầu như chưa phát triển như các bệnh viện tuyến trung ương hay các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh. Do đó, Hà Nội cần cân nhắc năng lực quản lý đối với lĩnh vực y tế.

Tại Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Y tế cho hay, việc đưa các bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế về TP Hà Nội quản lý là việc hệ trọng của ngành y tế, cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và phải có đánh giá tác động trước khi ra quyết định.

 Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cho một bệnh nhân. (Ảnh minh họa. ảnh: BV)

Sau khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đăng tải, Bộ Y tế đã tham gia ý kiến, góp ý với ban soạn thảo về nhiều vấn đề. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất đối với ngành Y tế là “Chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ, Cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bệnh viện các trường đại học”, theo khoản 1, Điều 27 của dự thảo.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Y tế đã có tham luận đưa ra một ý kiến đề nghị đưa nội dung trên ra khỏi dự thảo.

Theo đại diện Bộ Y tế, thứ nhất, việc đưa các bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế về TP Hà Nội quản lý là việc hệ trọng của ngành y tế, cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và phải có đánh giá tác động trước khi ra quyết định. Vì đây không phải là việc chuyển một hay một số bệnh viện của Bộ Y tế về Hà Nội mà đây là việc hệ trọng liên quan đến sự phát triển chung của toàn ngành y tế, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thứ hai, đây là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương… có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam và Hà Nội. Theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 thì các bệnh viện này đủ tiêu chí giữ lại trực thuộc Bộ.

Thứ ba, các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho người dân trên toàn quốc cũng đồng thời chăm sóc sức khỏe cho khoảng 10 triệu người dân Hà Nội. Một nhiệm vụ rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương theo sự phân công, điều động, phối hợp của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương.

 Các chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khảo sát và hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế tại khoa Bệnh nhiệt đới (BVĐK tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: TL

Thứ tư, các cơ sở y tế của Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội là “máy cái” đào tạo của Bộ Y tế cho nhân lực y tế trên cả nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành y tế. Các bệnh viện Trung ương đều là cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Đại học Y Hà Nội.

Ngoài ra, các bệnh viện thuộc Bộ là cánh tay nối dài của Bộ Y tế trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Vai trò này thể hiện rõ trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Khi có dịch bệnh trên toàn quốc, Bộ sẽ dễ dàng điều động các bệnh viện hỗ trợ địa phương chống dịch.

Thứ năm, cần cân nhắc tới năng lực quản lý và điều kiện phát triển của y tế của Hà Nội. Bộ Y tế hiện quản lý 34 bệnh viện và trong đề án giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ trình Chính phủ, trong nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ giảm xuống 30 bệnh viện. Hiện Bộ Y tế đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và Hà Nội và đã đồng ý với quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong đó có các bệnh viện Trung ương trên địa bàn.

Trong khi đó, Hà Nội có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện bộ, ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa- chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân.

Hà Nội cũng đang quản lý hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm. Hiện Hà Nội cũng có dự án xây dựng bệnh viện tại Mê Linh nhưng nhiều năm qua vẫn chưa triển khai đưa vào hoạt động. TP Hà Nội còn bộn bề công việc trong ngành y tế chưa thể làm được hết.

Các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện E lên đường chi viện cho tỉnh Tây Ninh phòng chống dịch bệnh COVID- 19 năm 2021. Ảnh: Thanh Xuân

Thứ sáu, Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng cần phải quan tâm tới nguyện vọng của cán bộ các cơ sở y tế tuyến Trung ương. Cuối tháng 7/2023, Bộ đã họp với lãnh đạo 17 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội và đều thống nhất 100% ở lại Bộ. Thậm chí, 1.300 (100%) cán bộ nhân viên Bệnh viện E khi được khảo sát đều đồng ý ở lại Bộ Y tế.

Thứ bảy, nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của Bộ nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy, số đơn vị đầu mối không thay đổi và phải tính toán kỹ tới sự tác động này. Đó là chưa kể hiện Hà Nội đang đầu tư phát triển bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm. Vì thế, việc đưa các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ đầu tư chồng chéo và có nguy cơ gây lãng phí.

Thứ tám, các bệnh viện Trung ương có thương hiệu của Bộ Y tế sẽ mang tầm quốc gia thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đặc biệt nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước tiên tiến; chuyển giao từ tuyến Trung ương xuống các tỉnh, thành phố, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến…

Theo đại diện Bộ Y tế, về nội dung tại điểm d, mục 7, Điều 26 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): "Việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến trên thế giới đối với các cơ sở y tế của Thủ đô trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập", Bộ sẽ tiếp tục bàn với các đơn vị thuộc và trực thuộc để vừa chặt chẽ, khoa học, vừa tạo điều kiện để Hà Nội phát triển/.

Lam Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực