Đồng Nai: Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ bảy, 16/03/2024 15:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, do đó đòi hỏi cần có giải pháp để khắc phục.
Nhân viên khoa CSSKSS Trung tâm y tế H. Vĩnh Cửu thống kê số phụ nữ sau sinh được tiêm phòng uốn ván và uống vitamin A tại Trạm y tế xã Trị An. 

Công tác CSSKSS được triển khai đồng bộ 

Theo báo cáo từ CDC Đồng Nai, trong năm 2023 công tác CSSKSS được triển khai đồng bộ và đạt một số kết quả như: tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 99,9%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh, phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV trong thời gian mang thai và phụ nữ đẻ nhiễm HIV được điều trị ARV đạt 96%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm Vitamin K1 đạt 99%; tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện khám sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng VIA/VILI đạt 80%.

100% các đơn vị có quản lý và triển khai các hoạt động CSSKSS, các đơn vị thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kiểm soát mắc và tử vong do tai biến sản khoa hoàn thành chỉ tiêu so với kế hoạch năm 2023. Thực hiện được đầy đủ  công tác chuyên môn khám thai, quản lý thai, tiêm ngừa VAT và phát hiện các bà mẹ có nguy cơ cao trong quá trình khám thai, cần chuyển tuyến khám thai thích hợp.

Để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, thời gian qua CDC Đồng Nai đã tổ chức các lớp tập huấn như: sàng lọc ung thư cổ tử cung; dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con; thực hiện các quy trình chuyên môn trong cung cấp dịch vụ kỹ thuật lâm sàng các biện pháp tránh thai và phá thai an toàn; đào tạo về kỹ thuật quan sát cổ tử cung với axit axetic (VIA) và lấy bệnh phẩm gửi tuyến trên cho cán bộ y tế huyện; hồi sức cấp cứu trong sản khoa…

Vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CSSKSS ở một số đơn vị vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc dẫn đến việc thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt. Chia sẻ về khó khăn này, BS.CKI Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm y tế H.Vĩnh Cửu cho hay, hiện tại ở Trung tâm không triển khai được mổ cắt tử cung cấp cứu, mổ chửa ngoài tử cung, truyền máu, không có đơn nguyên sơ sinh sử dụng CPAP để điều trị suy hô hấp sơ sinh. Còn tại các Trạm y tế thiếu thuốc thiết yếu so với danh mục quy định, máy hút đàm nhớt hư không sử dụng được. Chưa có nhân lực là nữ hộ sinh, chưa có chuyên trách chương trình CSSKSS…dẫn đến các hoạt động kế hoạch hóa gia đình thực hiện không đạt so với chỉ tiêu kế hoạch.

Còn một số Trạm y tế xã khác trên địa bàn cũng đang thiếu nhân lực là nữ hộ sinh, thay vào đó là y sĩ sản nhi hoặc điều dưỡng phụ trách chương trình, thiếu trang thiết bị, cơ sở xuống cấp… dẫn đến thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chưa đạt, như: tỷ lệ phụ nữ đẻ được tiêm phòng uốn ván đủ liều, chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai, bao cao su, cấy que, thuốc viên tránh thai chưa đạt. Tỷ lệ phụ nữ đẻ khám thai 4 lần trong 3 thời kỳ và hoạt động kế hoạch hóa gia đình thực hiện không đạt so với  chỉ tiêu kế hoạch,…

Với những khó khăn đang gặp phải, nhiều đơn vị mong muốn sẽ tuyển được nữ hộ sinh về các Trạm y tế còn thiếu để phụ trách, tổ chức tập huấn đào tạo chuyên môn tại chỗ cho các cán bộ phụ trách để nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt hơn công tác CSSKSS.

 Tại cuộc họp đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 vừa qua, ThS Võ Thị ngọc Lắm, Phó giám đốc Sở Y tế đánh giá cao những kết quả đạt được về công tác CSSKSS trong năm qua, đồng thời ghi nhận những khó khăn, thách thức đang gặp phải tại một số đơn vị. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác CSSKSS, Phó giám đốc Sở đề nghị CDC Đồng Nai phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố tập trung đề ra giải pháp khắc phục đối với các chỉ tiêu chưa đạt đã nêu ở trên. 

Còn về vấn đề đào tạo tại chỗ, ThS Võ Thị ngọc Lắm đề nghị các đơn vị có nhu cầu thì làm kế hoạch sớm gửi về CDC Đồng Nai, Sở Y tế để có phương án kịp thời triển khai nhằm nâng cao chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách phụ trách. Các đơn vị tuyến tỉnh như Bệnh viện ĐK Đồng Nai, Thống Nhất thường xuyên trực tiếp xuống hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong việc cảnh báo trong tình huống xử lý các tai biến sản khoa. Về công tác truyền thông, CDC Đồng Nai phối hợp với các đơn vị rà soát lại xem đã truyền thông đa dạng hình thức CSSKSS chưa, nếu chưa thì cần phải cải tiến đa dạng, phong phú để người dân có thể tiếp cận và hiểu được, đặc biệt đối với người dân là dân tộc thiểu số…

Sao Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực