Nhiều cơ hội để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới

Chủ nhật, 11/02/2024 00:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Việt Nam và Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới. Sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác hai bên trên mọi lĩnh vực đang cho chúng ta một niềm tin vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Pháp trong tương lai.

Đó là nhận định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Đinh Toàn Thắng trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Pháp) 

Phóng viên (PV): Có thể khẳng định rằng, sau 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023), quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp đã có những phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Vậy Đại sứ đánh giá thế nào về những kết quả cũng như triển vọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trong 10 năm qua đã phát huy được nền tảng quan trọng cũng như sự tích lũy cả về lượng và chất của hợp tác giữa hai nước trên cả chặng đường dài 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, để thể hiện được những phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo được những điểm nhấn trong hợp tác song phương vốn đã rất phong phú, đồng thời có nhiều dự án cụ thể, đa dạng trên các lĩnh vực.

Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và Pháp cũng ngày càng trở thành những đối tác đồng hành và tin cậy của nhau, chia sẻ nhiều định hướng phát triển và hợp tác.

Trao đổi cấp cao và các cấp giữa hai nước hết sức nhộn nhịp, mật thiết. Chúng ta có các cuộc trao đổi, điện đàm của Tổng thống Pháp với Tổng Bí thư và Chủ tịch nước ta, có các chuyến thăm của Tổng Bí thư ta đến Pháp và Tổng thống Pháp đến Việt Nam, các trao đổi chuyến thăm giữa Thủ tướng hai nước, thăm viếng và trao đổi giữa Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo Nghị viện Pháp. Các cơ chế định hướng hợp tác và phối hợp giữa hai bên trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa - đào tạo, khoa học - kỹ thuật đã và đang phát huy tốt vai trò của mình, thể hiện rõ tính chất của những trụ cột khác nhau trong Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.

Trong thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự gắn bó, thiện cảm giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp cũng tiếp tục được vun đắp và lan tỏa sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân và các giới của hai nước. Phong trào hội đoàn người Pháp đoàn kết và hữu nghị với nhân dân Việt Nam, phát triển trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc nay tiếp tục được nhân rộng.

Có thể nói hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới trong thập kỷ thứ hai của Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp. Sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực đang cho chúng ta một niềm tin vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Pháp trong tương lai. Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển và ổn định.

Ý chí và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp đã được thể hiện qua cuộc điện đàm ngày 20/10/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như cuộc tiếp xúc ngày 02/12/2023 bên lề COP28 giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Pháp. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã nhất trí rằng hai bên cần phối hợp hiệu quả, toàn diện hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng, thương mại, đầu tư, đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, văn hóa và giao lưu nhân dân. Trong tất cả các lĩnh vực đều có những tiềm năng cần đánh thức, cần khai thác, cần phát huy hơn nữa. Xác định rõ nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên để có được những mối hợp tác thiết thực thể hiện được tinh thần đối tác và cùng có lợi.

Có thể thấy các biến động địa chính trị và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khu vực hiện nay đã và đang tác động không nhỏ đến nguồn lực và chính sách của cả hai nước, đòi hỏi sự năng động trong đối ngoại và hội nhập, cùng sự chuyển dịch mạnh mẽ các chiến lược thích ứng khác nhau nhằm đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Các đối tác hai bên cần nỗ lực và có các biện pháp nhanh chóng để có những hướng đi cụ thể trong lĩnh vực của mình để đáp ứng được các yêu cầu mới của cả Việt Nam và Pháp đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.

PV: Hợp tác kinh tế - đầu tư – thương mại là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt Nam – Pháp. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này, hai nước cần phải làm gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Pháp luôn là một trong đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại Châu Âu và EU, với quan hệ hợp tác kinh tế đa dạng và lâu dài. Pháp có nhiều thế mạnh về các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y dược, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics, nông nghiệp chất lượng cao..., là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài của Việt Nam.

Đại sứ Pháp Đinh Toàn Thắng đã thăm “Salon d’Asie 2023-Hội chợ châu Á 2023”, tại thành phố Lyon vào đầu tháng 12/2023, với sự tham gia của hàng trăm gian hàng của các nước châu Á. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện chính thức tham gia sự kiện này và dự kiến sẽ duy trì trong những năm tiếp theo, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách đến đông đảo bạn bè quốc tế.
 

Pháp là nhà đầu tư lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, theo số liệu thống kê đang tạo ra 50.000 việc làm, cũng là một trong số ít quốc gia thiết lập cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ của Pháp tại Việt Nam là Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Trao đổi hương mại giữa Việt Nam và Pháp luôn sôi động do tính chất bổ trợ lẫn nhau.

Giữa hai nước có nhiều cơ chế chỉ đạo hợp tác đã định hình với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan hai bên, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Mạng lưới đối tác giữa hai nước phong phú, không chỉ có doanh nghiệp với số lượng hơn 300 công ty, trong đó có 170 công ty con của các tập đoàn Pháp đang có mặt tại Việt Nam, mà còn còn có các đơn vị kinh tế của các chính quyền vùng miền ở Pháp, các hội đoàn và trí thức, doanh nhân người Việt ở địa bàn đang nỗ lực tăng cường kết nối hợp tác giữa hai bên.

Quan hệ thương mại - đầu tư của Việt Nam với khu vực cũng như với Pháp có nhiều thuận lợi mới từ khi sau Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, trong đó Pháp là một trong những nước ủng hộ mạnh. Đây là khuôn khổ quan trọng, đòn bẩy để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đang bước đầu tận dụng được các lợi thế của Hiệp định này trên thị trường Pháp.

Tuy nhiên, nếu xét tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, thì các kết quả trên còn khá “khiêm tốn”. Để tận dụng các cơ hội do EVFTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng những chiến lược thích hợp, với những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn, cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp. Chúng ta cũng cần triển khai nhiều biện pháp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp cũng cần các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy được sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam để vươn ra khu vực.

Pháp là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái, chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp cũng như là nước có vai trò, đóng góp lớn cho tài chính khí hậu. Chuyển đổi sinh thái, chống BĐKH hiện cũng trở thành nội dung hợp tác xuyên suốt chúng ta có thể tranh thủ trong hợp tác với Pháp. Hiện nay Pháp dành ưu tiên cao cho Việt Nam trong hỗ trợ ứng phó BĐKH, chuyển đổi sinh thái, bao gồm các lĩnh vực hợp tác mà Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, giao thông vận tải, hạ tầng bền vững, công nghệ xanh (greentech). Trong thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã cam kết hỗ trợ Việt Nam ít nhất 500 triệu euro.

PV: Trong những năm gần đây, Việt Nam và Pháp luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương, tạo thêm nhiều cơ hội, thêm đối tác và nâng cao năng lực triển khai các hoạt động đối ngoại, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa địa phương hai nước. Đại sứ có thể chia sẻ về một số thành tựu trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Pháp trong thời gian qua?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Hợp tác theo khuôn khổ giữa các địa phương Việt Nam và Pháp khởi nguồn vào năm 1989 với việc Hội đồng vùng Ile-de France và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác, khẳng định nét đặc thù của quan hệ giữa các địa phương hai nước và trở thành một trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp hiện nay. Pháp là nước duy nhất cho đến nay mà Việt Nam đưa cơ chế gặp mặt, họp mặt giữa các địa phương lên thành Hội nghị. Hội nghị đầu tiên diễn ra tại Lille vào năm 1996, từ đó được tổ chức luân phiên tại các địa phương khác nhau của hai nước từ 2-3 năm một lần và được xem là một sự kiện và hoạt động lớn trong quan hệ song phương Việt Nam – Pháp. Hội nghị lần thứ 12 được tổ chức thành công tại Hà Nội từ ngày 13-16/4/2023, với sự tham gia của 65 địa phương cùng nhiều tổ chức, hiệp hội đối tác hai nước. Trong năm vừa qua, gần 20 đoàn địa phương Việt Nam các cấp đã có các chuyến công tác, thăm thực địa tại các địa phương kết nghĩa hoặc đối tác Pháp, thể hiện sự năng động của địa phương hai nước cũng như sự tương đồng về quan điểm và nhìn nhận về mô hình hợp tác.

Hợp tác giữa các địa phương có vai trò đáng kể, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế từ đó giúp các địa phương có thêm cơ hội, thêm đối tác và nâng cao năng lực triển khai các hoạt động đối ngoại, mang lại kinh nghiệm và các dự án cụ thể trên nhiều lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển của các địa phương. Mối quan hệ đó góp phần tạo nên một nét đặc sắc đồng thời giúp tạo thêm kênh quan hệ với các đại biểu dân cử từ các đảng chính trị và các chính quyền địa phương trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Pháp.

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp đang có những bước chuyển đáng quan tâm. Một là các hoạt động hợp tác đang chuyển dần theo hướng mang lại lợi ích cho cả hai bên chứ không chỉ còn nằm trong khuôn khổ các hoạt động mang tính hữu nghị, đoàn kết và hỗ trợ như trước đây. Hai là, các chủ đề trao đổi và hợp tác của các địa phương được mở sang những lĩnh vực, nội dung phù hợp và cần thiết đối với sự phát triển của chính các địa phương. Hội nghị 12 vừa qua có thể được xem là một  minh chứng. Với nội dung “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, Hội nghị đã tập trung thảo luận 4 cụm chủ đề trung tâm đang rất được các địa phương quan tâm là: Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; Văn hóa, Di sản và Du lịch; Thành phố thông minh và Số hóa.

Trong thời gian tới, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp cần tiếp tục cập nhật các lĩnh vực hợp tác phù hợp với quan tâm và năng lực của các địa phương; đổi mới hình thức hợp tác theo các điều kiện, hoàn cảnh mới; và thu hút thêm được nhiều tác nhân khác tham gia như các doanh nghiệp, các tổ chức... để mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác. 

PV: Năm 2023 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam -  Pháp như kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức những hoạt động gì để kỷ niệm các sự kiện trên và các hoạt động đó có ý nghĩa như thế nào trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: 5 thập kỷ quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược là những cột mốc lớn trong quan hệ hai nước, đánh dấu những giai đoạn và sự phát triển tự hào của quan hệ Việt Nam - Pháp. Để góp phần tạo dấu ấn cho những cột mốc này và thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp xây dựng và triển khai một chương trình hoạt động phong phú, phản ánh được sự trưởng thành và phát triển sâu đậm của quan hệ hai nước, đồng thời cũng là dịp để trao đổi, đúc kết và đưa ra những ý tưởng mới, những dự án mới để đưa quan hệ thắt chặt và hiệu quả hơn, vừa hun đúc cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vừa tạo được sức bật cho hợp tác song phương.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng tiếp Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Pháp  (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Pháp)

Trong năm qua, hai nước đã triển khai một chương trình hoạt động phong phú, phản ánh được sự trưởng thành và phát triển sâu đậm của quan hệ hai nước. Sau lễ khai trương Việt Nam-Pháp tại Hà Nội cuối năm 2022 có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher, thì ngay tháng 01 năm 2023 sau đó, chuỗi hoạt động hòa với đợt kỷ niệm trong nước 50 năm Hiệp định Paris được Đại sứ quán tổ chức tại 3 thành phố Pháp ghi dấu ấn lịch sử các đoàn đàm phán Việt Nam đã góp phần khẳng định sự gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và sự thân thiết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Tiếp đến trải dài và liên tục trong cả năm 2023 là hàng loạt các hoạt động giao lưu, trao đổi tiêu biểu, đặc trưng trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, thông qua nhiều kênh tiếp xúc. Đại sứ quán đã tổ chức tốt các chuyến đi thăm cấp Bộ trưởng, như của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các chuyến đi của 50 đoàn các cấp ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đối tác Việt Nam sang thăm và làm việc tại Pháp. Năm 2023 cũng đánh dấu sự khởi động lại vào chu kỳ các cơ chế hợp tác song phương như Hội nghị Hợp tác các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội, Tham vấn chính trị giữa hai Vụ Khu vực Bộ Ngoại giao hai nước tại Hà Nội, Đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng Việt Nam - Pháp lần thứ 3 tại Paris.

Có các hoạt động văn hóa nghệ thuật như trong Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, Ngày Việt Nam tại Pháp, Ngày Văn hóa Việt Nam tạo được những dư âm sâu rộng ở sở tại. Tết cộng đồng tổ chức tại Tòa Thị chính Paris cũng được nối lại sau thời gian dịch bệnh. Hàng loạt các hội đoàn người Việt và bạn bè Pháp đã hưởng ứng năm kỷ niệm bằng các hoạt động sôi nổi nhiều thành phố, vùng, miền của nước Pháp. Đặc biệt hơn nữa, việc hồi hương Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo sau hơn mấy chục năm lưu lạc tại Pháp đã được hoàn tất trong năm 2023 với nhiều nỗ lực của Đại sứ quán trong đấu tranh, vận động, bám sát tình hình và phối hợp với các cơ quan bộ ngành trong nước để rồi trong Tết Giáp Thìn này chúng ta có thêm một hình ảnh con rồng rất đẹp.

Có thể nói năm 2023 thực sự là một đợt hoạt động nhiều ý nghĩa, là kết quả của quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, tạo cho chúng ta một sự tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Pháp trong tương lai.

PV: Pháp là một trong những nước có rất đông người Việt sinh sống và làm việc. Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong việc kết nối cộng đồng cũng như trong việc góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được hình thành qua nhiều giai đoạn, là một cộng đồng lâu đời, có truyền thống yêu nước. Phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp được hình thành từ rất sớm, do chính Bác Hồ gây dựng nên và có nhiều đóng góp quý báu cho sự  nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong bức thư gửi kiều bào ta tại Pháp năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Từ trước tới nay, kiều bào ta ở Pháp cũng như ở các nước khác, tuy xa quê hương vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc thân yêu và cố gắng góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”.

Qua quá trình phát triển, hiện cộng đồng ta ở Pháp có khoảng 60 tổ chức hội đoàn, trong đó truyền thống nhất là Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF). Bên cạnh đó còn có Hội thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp, Câu lạc bộ Yêu biển đảo Việt Nam... Đây cũng là một cộng đồng được biết đến có thế mạnh về tri thức, với số lượng lớn người có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó nhiều người là chuyên gia giỏi, được đánh giá cao, đảm nhận các vị trí, trọng trách khác nhau trong bộ máy khoa học của Pháp. Hội Thanh niên-sinh viên Việt Nam tại Pháp với số lượng 7.000 thành viên và 28 chi hội tại các thành phố lớn của Pháp cũng có nhiều hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng ta.

Cộng động người Việt Nam tại Pháp không chỉ luôn nỗ lực tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, mà còn đã và đang phát huy mạnh mẽ, hiệu quả vai trò quảng bá văn hóa và các giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp của Việt Nam, như các hoạt động tích cực đẩy mạnh dạy và học tiếng Việt, các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, các lễ hội ẩm thực, trình diễn võ cổ truyền, áo dài, nhạc cụ và ca múa truyền thống của Việt Nam, trong đó nhiều hoạt động đã trở thành “thương hiệu” văn hóa Việt tại địa bàn.

Cộng đồng ta tại Pháp phát huy rất tốt vai trò trong việc vận động chính giới và nhân dân Pháp ủng hộ ta, xây dựng các dự án hợp tác với VN, thông qua đó huy động chất xám, vốn và công nghệ cho phát triển đất nước, là cầu nối phát triển quan hệ Việt-Pháp trong nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn COVID-19, kiều bào ta tại Pháp đã góp phần vận động chính phủ Pháp hỗ trợ cho Việt Nam hơn 5,2 triệu liều vaccine qua cơ chế Covax và song phương. Nhiều hội đoàn, cá nhân người Việt đang là cầu nối điển hình cho sự phát triển hợp tác địa phương, thúc đẩy và đóng góp trực tiếp vào hợp tác bộ, ngành, doanh nghiệp.

Cộng đồng ta tại Pháp cũng thường xuyên có các hoạt động phong phú đóng góp thiết thực cho đất nước. Với phương châm “ở đâu cũng có thể cống hiến”, đội ngũ trí thức, doanh nhân kiều bào ta tại Pháp đang là những hạt nhân trong đóng góp chất xám, tham mưu chiến lược, chính sách phục vụ phát triển đất nước. Có thể nói trên mọi phương diện, cộng đồng người Việt Nam ta tại Pháp luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác dặn trong chuyến thăm Pháp năm 1946 “Mỗi kiều bào phải là một đại sứ của nhân dân Việt Nam!”.

PV: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức những hoạt động gì cho cộng đồng người Việt tại Pháp đón Xuân, thưa Đại  sứ?

Đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Pháp tham dự Tết cộng đồng tại Tòa Thị chính Paris ngày 26/1 vừa qua (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Pháp) 

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đại sứ quán cùng phối hợp với Tòa Thị chính Paris tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt Nam tại Tòa Thị chính Paris với quy mô khách mời lên đến trên 1.000 người. Đây là dịp kiều bào ta không chỉ ở Paris mà trên toàn nước Pháp mong chờ. Ngày 26/01 vừa qua, Tết cộng đồng đã được tổ chức trang trọng tại Tòa Thị chính Paris, ngoài Lãnh đạo Thành phố Paris và đại diện của đông đảo các cơ quan đối tác, địa phương, bạn bè và kiều bào, có sự tham dự của bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt - Pháp đồng thời là Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt - Pháp (AACVF). Qua đợt tổ chức đón Tết này, chúng tôi nhận thấy có sự tham dự ngày càng đông đảo của nhiều thế hệ kiều bào, nhất là thế hệ trẻ cũng như các bạn bè, đối tác đa dạng, thể hiện thành quả của công tác đối ngoại, công tác cộng đồng của chúng ta tại địa bàn.

Ngoài hoạt động chính thức nêu trên, Đại sứ quán cũng tham gia và hỗ trợ các hoạt động vui xuân đón Tết của các hội đoàn như Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Sinh viên – Thanh niên Việt Nam tại Pháp (UEVF), các chi hội người Việt và sinh viên ở các địa phương. Đây là những hoạt động nhằm cổ vũ, động viên cho cộng đồng dịp năm mới. Đồng thời, đầu Xuân năm mới cũng là dịp, Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán chúng tôi đi thăm hỏi, tri ân những Việt kiều cốt cán, những người bạn đã luôn sẻ chia, đồng hành với quê hương, đất nước qua các thời kỳ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

 

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực