Nhiều cơ hội để Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở châu Phi

Thứ tư, 14/02/2024 14:09
(ĐCSVN) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đại sứ Ma Rốc tại Việt Nam Jamale Chouaibi đã nhận định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Kỷ niệm 60 năm Ngày châu Phi tại Hà Nội

“Thúc đẩy Khu vực Tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”

 Đại sứ Ma Rốc tại Việt Nam Jamale Chouaibi. Ảnh: Đại sứ quán Ma Rốc tại Việt Nam

PV: Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa châu Phi và Việt Nam. Theo ông, hiệp định này sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Phi trong thời gian tới? 

Ông Jamale Chouaibi: Với việc dỡ bỏ các rào cản thương mại và việc thành lập một thị trường chung cho hàng hóa và dịch vụ giữa các nước châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường châu Phi, đặc biệt là với các nước châu Phi mà Việt Nam đã có quan hệ thương mại, và điều này có thể khuyến khích Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia này. Ngoài ra, AfCFTA dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn của hơn 40 quốc gia với hơn 1,3 tỷ dân của châu lục này.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác thương mại với một số nước châu Phi, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông và năng lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường đầu tư vào châu Phi nhằm tận dụng những cơ hội mới mà hiệp định này mang lại, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ. 

Nhìn chung, AfCFTA sẽ có tác động tích cực đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai bên.

PV: Theo ước tính của Cơ quan năng lượng quốc tế, 60% địa điểm tốt nhất để sản xuất điện mặt trời tập trung ở châu Phi. Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, trong đó lĩnh vực điện mặt trời. Ông đánh giá thế nào về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi trong lĩnh vực này trong thời gian tới?

Ông Jamale Chouaibi: Việt Nam và châu Phi sẽ có nhiều cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việt Nam có thể chia sẻ kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm với các nước châu Phi, đặc biệt trong việc thiết kế và triển khai các dự án điện mặt trời, trong khi các nước châu Phi có thể giúp Việt Nam tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời khổng lồ của mình. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên vì nó không chỉ giúp các nước châu Phi phát triển các nguồn năng lượng mà còn giúp Việt Nam có những cơ hội kinh doanh với các thị trường mới.

Cơ hội hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng rất tiềm năng, trong đó phải kể đến năng lượng mặt trời, thủy điện và gió.

Về năng lượng mặt trời: châu Phi có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào, Việt Nam có thể đầu tư các dự án điện mặt trời tại khu vực này. Việt Nam có thể cung cấp thiết bị, công nghệ và kinh nghiệm cho các nước châu Phi để giúp họ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời của riêng mình. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của một số nước châu Phi trong phát triển dự án năng lượng mặt trời. Ví dụ, cả Maroc và Ai Cập đã đầu tư nhiều vào năng lượng mặt trời trong những năm gần đây và đã có được kinh nghiệm quý báu trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành các nhà máy điện mặt trời.

Về thủy điện: nhiều nước châu Phi có tiềm năng thủy điện đáng kể, Việt Nam có thể đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện mới ở châu Phi hoặc cung cấp kỹ thuật, công nghệ giúp các nước châu Phi phát triển cơ sở hạ tầng thủy điện của riêng mình. Châu lục này vẫn đang cần điện khí hóa, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vẫn đang phải phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng dầu.

Về điện gió: một số nước châu Phi có tiềm năng phát triển điện gió, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Các nước châu Phi có thể chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm với Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các dự án điện gió ở châu Phi và ngược lại.

Nhìn chung, có rất nhiều cơ hội để Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở châu Phi và điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Các nước châu Phi có thể tiếp cận công nghệ và kỹ thuật mới, trong khi Việt Nam có thể có được những cơ hội kinh doanh mới và tiếp cận các thị trường mới. Điều này cũng góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

PV: Hiện nay, có nhiều cường quốc trên thế giới tỏ ra “đặc biệt quan tâm” đến châu Phi. Theo ông, vị thế của châu Phi trên trường quốc tế sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

Ông Jamale Chouaibi: Châu Phi là lục địa có nguồn tài nguyên và tiềm năng to lớn, được nhiều cường quốc bày tỏ sự quan tâm đầu tư vào khu vực. Trong những năm gần đây, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... đã tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ, năng lượng... ở châu Phi. Nhờ sự gần gũi về vị trí địa lý, các nước châu Âu có lịch sử gắn kết lâu dài với châu Phi và nhiều nước gần đây đã tăng cường tập trung đầu tư vào lục địa này.

Khi các quốc gia này tiếp tục đầu tư vào châu Phi, nhiều khả năng vị thế của lục địa này trên trường quốc tế sẽ tiếp tục được nâng cao. Các nước châu Phi đang trở nên tự tin hơn trong các giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển năng động của lục địa này khi các nước châu Phi đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn hơn trong chính trị và kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng các dự án đầu tư nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và suy thoái môi trường. Điều quan trọng là các nước châu Phi phải cân bằng giữa thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ tài nguyên cũng như người dân của họ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực