Bài 9: Bộ Giao thông Vận tải đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư, 14/02/2024 13:07
(ĐCSVN) - Công tác thanh tra, kiểm tra được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra trên công trường cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Chủ động nhận diện

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT trong năm nay là tiếp tục chủ động nhận diện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực, công việc, khu vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, các đơn vị có phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, nội bộ mất đoàn kết và xử lý nghiêm minh, kiên quyết, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực được phát hiện.

Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước để thanh tra đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 50-NQ/BCSĐ, ngày 05/10/2022 của Ban cán sự đảng Bộ về tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Quyết định số 1504/QĐ-BGTVT, ngày 14/11/2022 của Bộ GTVT phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ ngày 20/3/2023 của Ban cán sự đảng Bộ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra.

Trong đó, Bộ GTVT khẳng định tập trung nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong thực hiện công vụ, trách nhiệm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm, làm việc sáng tạo, hiệu quả.

Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục tăng cường rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, chặt chẽ, khả thi, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như đầu tư xây dựng, cấp phép, chứng chỉ chuyên môn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của chủ thể trong lĩnh vực được phân cấp, phân quyền.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm công khai, minh bạch, ngăn chặn tiêu cực, gian lận trong các lĩnh vực được giao quản lý.

Khắc phục tồn tại, hạn chế, đáp ứng thực tiễn

 Các lực lượng thanh tra ngành GTVT kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Năm qua, thanh tra ngành GTVT đã thực hiện trên 72.142 cuộc thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Bộ GTVT đã triển khai 23 cuộc thanh tra, kiểm tra (10 thanh tra hành chính: 6 cuộc theo kế hoạch và 4 cuộc đột xuất; 13 cuộc thanh tra chuyên ngành: 10 cuộc theo kế hoạch, 3 cuộc đột xuất).

Các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện 72.124 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 38.520 vụ với số tiền xử phạt trên 192,4 tỷ đồng; tạm giữ 171 ô tô; đình chỉ hoạt động 42 bến và 204 phương tiện thủy nội địa; giám sát 719 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 633 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Ngoài tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và nhiệm vụ thường xuyên, Bộ GTVT chỉ đạo thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với một số lĩnh vực được dư luận xã hội hết sức quan tâm, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng tới công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ, chứng chỉ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; công tác điều phối giờ cất hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; tổ chức thực hiện các dự án/gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và hệ sinh thái AIC; thông tin chuyển nhượng thầu tại một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc; công tác quản lý, thực hiện một số Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án trọng điểm khác như Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1.

Trong đó tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, diện rộng toàn quốc về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, về hoạt động kinh doanh vận tải, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Cùng với đó là Dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ...; công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; hoạt động đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa... công tác thu phí đường bộ không dừng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, xử lý, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực.

Đặc biệt, đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT đã chuyển thông tin 6 cơ sở đào tạo và 1 đơn vị có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan công an để xem xét xử lý theo thẩm quyền; đã ban hành 1 chỉ thị, 5 văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm, chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung ngay 2 nghị định (Nghị định số 65/2016/NĐ-CP và Nghị định số 138/2018/NĐ-CP) và 4 thông tư (Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, Thông tư 38/2019/TT-TTCP, Thông tư số 01/2021/TT- BGTVT, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT) cho phù hợp với thực tiễn.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực chất

Theo Bộ GTVT, công tác giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra, kiểm tra được tăng cường thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra. Trong đó, 100% các cuộc thanh tra được giám sát, các kết luận thanh tra của Bộ GTVT đều được thẩm định trước khi ban hành. Các kết luận thanh tra của Bộ GTVT, của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành khác được lập hồ sơ theo dõi, đôn đốc.

“Cơ bản các kiến nghị trong kết luận thanh tra được chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, các kiến nghị về xử lý hành chính, xử lý kinh tế được quan tâm thực hiện hoàn thành”, Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài; việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng đảm bảo liên tục, kịp thời; qua xử lý đơn thư đã chuyển 6 nội dung có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an xử lý theo quy định.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung đẩy mạnh, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống  tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý và nội bộ cơ quan, đơn vị.

Điển hình là Nghị quyết số 50-NQ/BCSĐ về tiếp tục tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Quyết định số 1504/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ ngày 20/3/2023 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT, văn bản số 13377/BGTVT-TTr ngày 23/11/2023 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra để xây dựng cơ chế tự kiểm tra, giám sát nội bộ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bộ GTVT đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với trên 6.500 cán bộ, công chức tham dự và sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra việc tổ chức thực hiện; thực hiện rà soát 34 văn bản luật, pháp lệnh còn bất cập báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Đồng thời thực hiện chuyển đổi 203 vị trí công tác để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã ban hành Kế hoạch xác minh, tài sản thu nhập năm 2023 của Bộ GTVT, thực hiện xác minh tài sản, thu nhập đối với 50 cán bộ thuộc 12 đơn vị.

Năm qua, Bộ GTVT đã kỷ luật 17 tổ chức đảng, khai trừ 112 đảng viên, buộc thôi việc 63 cán bộ, kỷ luật 2 cán bộ là người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp quản lý.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực