Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân

Chủ nhật, 11/02/2024 22:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước.

Đó là nhận định của đồng chí Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Năm mới Giáp thìn 2024.

 Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong năm vừa qua?

Đồng chí Phan Anh Sơn: Năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Biến động lớn nhất là chiến tranh và xung đột gia tăng; cạnh tranh nước lớn gay gắt. Các nước trên thế giới đối mặt với những thách thức chung như: dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai… Kinh tế thế giới năm qua cũng tương đối ảm đạm. Điều này đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức, khó khăn.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2023, công tác đối ngoại và ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước, trong đó nổi bật là ngoại giao cấp cao. Việt Nam đã thực hiện gần 50 chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đi sang các nước và cũng đón khoảng 50 đoàn lãnh đạo của các quốc gia đến Việt Nam.

Trong tổng thể của một năm thành công của đối ngoại Việt Nam, đối ngoại nhân dân (ĐNND) nói riêng và hệ thống của VUFO với vai trò là trụ cột, là nòng cốt trong công tác ĐNND Việt Nam cũng có những đóng góp nhất định. Cụ thể, VUFO đặt ra 4 trọng tâm lớn:

Thứ nhất, củng cố bộ máy tổ chức, hệ thống của VUFO. Việc củng cố tổ chức bộ máy không chỉ tập trung ở cơ quan thường trực mà còn thực hiện ở cả hai cấp: Cơ quan thường trực và các Hội hữu nghị song phương và đa phương ở Trung ương, VUFO ở 52 tỉnh, thành.

Thứ hai, đổi mới tư duy, hình thức, cách tiếp cận, nội dung và phương pháp triển khai các hoạt động ĐNND nhằm đáp ứng bối cảnh tình hình, thách thức rất lớn của thế giới, của khu vực, trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước về công tác ĐNND nói chung và những yêu cầu mới đặt ra cho VUFO nói riêng.

Thứ ba, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động làm công tác ĐNND chuyên trách ở cả cơ quan thường trực Trung ương và 52 Liên hiệp địa phương.

Thứ tư, nâng cao toàn diện công tác xây dựng Đảng trong toàn bộ hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, với trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng nhưng tập trung vào việc tổ chức, quán triệt, học tập, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII, tập trung vào việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến công tác đối ngoại.

Với những trọng tâm như vậy, chúng tôi đã có những kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm 2023 để thực hiện công tác của mình.

PV: Xin đồng chí cho biết, vai trò của đối ngoại nhân dân trong quá trình tăng cường và bồi đắp quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước trong suốt 50 năm qua?

Đồng chí Phan Anh Sơn: Năm 2023 có rất nhiều hoạt động ký niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Nếu nói về vai trò của ĐNND trong suốt 50 năm vừa qua thì nên chia thành các giai đoạn.

Ngược dòng thời gian, thời điểm năm 1975 và trước đó, trong hai cuộc đấu tranh, kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, sứ mệnh và vai trò chính của ĐNND là vận động, thuyết phục bạn bè, nhân dân các nước, các phong trào xã hội, phong trào hòa bình, phong trào cánh tả ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Vận động các bạn phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà các quốc gia tiến hành tại Việt Nam. Năm 1975, khi hòa bình lập lại ở Việt Nam, ĐNND bước vào một giai đoạn mới, vai trò cũng như đóng góp của ĐNND luôn song hành cùng những bước tiến của lịch sử dân tộc. ĐNND tiếp tục vận động bạn bè và nhân dân thế giới cũng như các phong trào hòa bình, phong trào xã hội ủng hộ Việt Nam phá thế bao vây cấm vận giúp Việt Nam mở cửa, đổi mới, cải cách phát triển kinh tế. Đó là những đóng góp lớn của ĐNND.

Cùng với đó, ĐNND giúp hòa giải, bình thường hóa quan hệ với một số các quốc gia trong đó có Hòa Kỳ; cũng như trong câu chuyện phá thế bao vây cấm vận giúp Việt Nam trong những năm tháng khó khăn, chưa bình thường hóa quan hệ với một số nước, chưa gia nhập ASEAN và đang bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Vào giai đoạn năm 2000, ĐNND tiếp tục thúc đẩy hợp tác hữu nghị trên kênh nhân dân để triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đề ra. Trong suốt 50 năm vừa qua, ĐNND đóng vai trò quan trọng trong việc có nhiệm vụ, nòng cốt trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; xây dựng nền tảng xã hội tích cực và thuận lợi giúp quan hệ Việt Nam với các nước được triển khai. ĐNND phối hợp với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tựu chung, ĐNND vừa củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, vừa tranh thủ vận động nguồn lực cho công cuộc phát triển của Việt Nam.

PV: Đồng chí hãy chia sẻ những thách thức trong công tác đối ngoại nhân dân?

Đồng chí Phan Anh Sơn: Thách thức đối với công tác ĐNND là khá lớn trong năm 2023. Thách thức đầu tiên là yếu tố bên ngoài, đó là những biến động, thay đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực, điều chỉnh của chính sách các nước diễn ra liên tục tạo ra áp lực rất lớn đối với việc thực thi chính sách đối ngoại của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

ĐNND cũng tương tự, chịu ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh; biến đổi khí hậu, thiên tai, xung, đột, chiến tranh dẫn tới điều chỉnh chính sách. 

Chúng tôi triển khai việc mở rộng bạn bè đối tác kênh nhân dân dựa trên một số cơ sở và nguyên tắc nhất định. Cơ sở và nguyên tắc cao nhất là thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam: độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Có nghĩa chúng ta sẽ xây dựng và mở rộng bạn bè đối tác với những đối tác, người, nhóm người ủng hộ cho Việt Nam, ủng hộ cho cách mạng Việt Nam, cho công cuộc phát triển của Việt Nam, cho chính sách của Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang bám sát việc đó để triển khai.

PV: Thưa đồng chí, đối ngoại nhân dân đã ứng dụng khái niệm "ngoại giao cây tre" Việt Nam trong thực tiễn như thế nào?

Đồng chí Phan Anh Sơn: Tôi nhớ khái niệm "ngoại giao cây tre" được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập lần đầu tiên vào năm 2016. Gần đây nhất, chúng ta có một cuốn sách nói rất kỹ về trường phái đối ngoại, ngoại giao Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam thể hiện được tâm hồn, cốt cách, khí phách của dân tộc, của con người Việt Nam với ba cụm từ rất quan trọng, có thể nói là ba từ khóa: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

Từ góc độ của VUFO, chúng tôi nghĩ gốc vững chính là những mục tiêu của đường lối đối ngoại Việt Nam: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị. "Gốc vững" ở đây là lợi ích quốc gia dân tộc, đó là cái bất biến. Gốc vững ở đây chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gốc vững ở đây cũng có thể là tinh thần, ý chí, cốt cách của con người và dân tộc Việt Nam, đó là tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ. Bởi vì tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh có ba điểm nhấn lớn, thể hiện đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Đầu tiên là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thứ hai là độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế; thứ ba là ngoại giao hòa bình, rộng mở, thêm bạn bớt thù. Cho nên nội hàm gốc vững, từ góc nhìn của chúng tôi, đại diện cho ý chí tự lực tự cường, ý chí độc lập tự chủ; đại diện cho tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gốc vững ấy là mục tiêu của đường lối đối ngoại. Gốc vững ấy chính là lợi ích quốc gia dân tộc.

"Thân chắc" ở đây chính là sự phối hợp giữa ba trụ cột ngoại giao, đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tại hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2023 diễn ra vào ngày 8/1/2024, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai có nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng của ba trụ cột đối ngoại chính là công tác phối hợp. Nếu công tác phối hợp tốt thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho nền ngoại giao đối ngoại Việt Nam.

“Cành uyển chuyển” cũng phù hợp và ứng với phương châm của đối ngoại nhân dân, đó là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả và sự uyển chuyển của ĐNND thể hiện bản chất của công tác ĐNND. Bản chất của công tác ĐNND chính là công tác dân vận quốc tế, thuyết phục, vận động bạn bè, nhân dân, phong trào, chính khách các nước ủng hộ cho lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta, ủng hộ cho những cái mà chúng ta mong muốn. Sự uyển chuyển của ĐNND là ngoại giao tâm công, chuyển hóa tình thế, vận động để các bạn ủng hộ lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta.

Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tháng 11/2023. (Ảnh: VUFO) 

PV: Đồng chí có thể chia sẻ phương hướng tổng thể cho đối ngoại nhân dân trong năm 2024?

Đồng chí Phan Anh Sơn: Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, cũng như vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, trong năm 2024 chúng tôi xác định một số nội dung trọng tâm đối với hệ thống VUFO như sau:

Thứ nhất, trên khía cạnh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, chúng tôi tiếp tục đổi mới tư duy, hình thức, phương thức, cách tiếp cận trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân. Hoạt động ĐNND khi triển khai không mang tính chất hình thức lễ lạt mà hiệu quả, có chiều sâu, góp phần cùng các trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước làm sâu sắc đường lối đối ngoại, chủ trương đối ngoại và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Việt Nam.

Thứ hai, tập trung đào tạo cán bộ chuyên trách làm công tác ĐNND với những yêu cầu, cách thức và nội dung mới. Trong những năm vừa qua, VUFO đã có chương trình tổng thể để đào tạo cán bộ. Nhưng chúng tôi cũng mới chỉ đào tạo được tại cơ quan thường trực và một số liên hiệp địa phương. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi là thực hiện đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách làm công tác ĐNND trong toàn hệ thống liên hiệp ở cả hai cấp: trung ương và cấp tỉnh, thành phố.

Thứ ba, năm 2023, chúng tôi đã làm được một bước là rà soát và nhận diện đối tác trên kênh ĐNND. Tiếp nối kết quả này, năm 2024 chúng tôi sẽ mở rộng đối tác trên kênh nhân dân ở khắp các châu lục mà chúng tôi đã và đang có quan hệ.

Thứ tư, hiện nay, trước bối cảnh rất nhiều chính sách của các nước thay đổi, công tác phi chính phủ nước ngoài đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận mới. Cách tiếp cận mới ở đây là đa dạng hóa được nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội XIII đã đề ra.

Về mảng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chúng tôi có một mục tiêu lớn là đổi mới về nội dung và hình thức. Với một mục tiêu duy nhất là làm sao hệ thống đối tác bạn bè của Việt Nam trên kênh nhân dân phải nhận được thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn, đa dạng hơn trên các mặt về Việt Nam để chuyển tải tới các bạn. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!

Hà Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực