|
Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. |
Nghệ thuật làm gốm cổ truyền của người Chăm
Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng Nam, làng gốm truyền thống Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ nay. Nhiều ý kiến cho rằng Bàu Trúc là làng nghề gốm thủ công cổ nhất khu vực Đông Nam Á.
Làng gốm Bàu Trúc có 94% dân số là đồng bào Chăm. Hầu hết các hộ người Chăm ở đây gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của dân tộc.
Theo sử sách, nghề gốm do vợ chồng ông Poklong Chanh, một trong những vị tổ sư của nghề gốm Chăm dạy cho phụ nữ trong làng từ xa xưa, khi ông bà đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Mấy trăm năm nay, thế hệ nối tiếp thế hệ, những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc ai cũng biết làm gốm. Họ chính là nhân tố quyết định để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống mãi với thời gian.
Dưới bàn tay tài hoa của các bà, các mẹ, các chị, những sản phẩm gốm có xuất xứ từ làng Bàu Trúc luôn mang vẻ đẹp rất riêng, đậm chất văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Chăm nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị như bản chất ngay thẳng, thật thà, chất phác của người dân nơi đây.
Nói gốm Bàu Trúc mộc mạc, giản dị là bởi các sản phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay của người thợ - chị Đàng Thị Kim Sương ở cơ sở sản xuất gốm Mỹ nghệ Chăm Pa giãi bày. Và khi tận mắt chứng kiến công đoạn “làm mẫu” của chị Sương, chúng tôi hiểu vì sao mỗi sản phẩm khi ra lò luôn là “độc bản”.
Do được làm thủ công hoàn toàn từng sản phẩm một nên tính “độc bản” được thể hiện ở chỗ cho dù có cùng chủng loại sản phẩm nhưng sẽ không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào như đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác. Giữa các sản phẩm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào sức khỏe, cảm xúc nhất thời của người thợ.
Để tạo hình và làm mịn bề mặt sản phẩm, những người phụ nữ ở Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay như những nơi khác mà họ vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục gốm đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa vuốt.
Sản phẩm càng cầu kỳ, càng nhiều chi tiết hoặc kích cỡ càng lớn thì thời gian đi giật lùi càng nhiều. Cứ thế, có những ngày, họ phải đi 5 - 7 km để dốc hết sức lực, tâm huyết cho “đứa con tinh thần” của mình.
Thật không sai khi nói rằng trong mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chất chứa đầy ắp niềm tự hào dân tộc, tình yêu với nghề cổ truyền, tâm huyết, sự tinh tế, khéo léo và cả mồ hôi, công sức của những người phụ nữ dân tộc Chăm.
Nói về dụng cụ tạo hoa văn trên sản phẩm gốm Bàu Trúc, nếu ai từng chứng kiến cũng sẽ hết sức ngạc nhiên vì đó chỉ là vỏ sò, nắp chai, hòn đá… Những thứ tưởng như bỏ đi ấy, vậy mà qua trí tưởng tượng phong phú, đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của người thợ đã tạo nên những hoa văn hình răng cưa, sóng nước, hoa, lá… đẹp mắt và độc đáo.
Bà Lô Thị Kết ở cơ sở Ngọc Huỳnh có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề gốm cho hay, quy trình nung gốm Bàu Trúc cũng hết sức khác biệt. Sản phẩm không nung trong lò mà nung lộ thiên bằng củi ngoài trời trong khoảng 6 tiếng đồng hồ, ở nhiệt độ từ 500 độ C trở lên. Sau khi nung, gốm Bàu Trúc có các màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn vệt nâu - những màu sắc đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Chăm.
|
Người Chăm dùng vỏ sò, nắp chai, hòn đá… để tạo nên những hoa văn hình răng cưa, sóng nước, hoa, lá… đẹp mắt và độc đáo. |
Người Chăm tìm cách giữ nghề truyền thống
Quy trình sản xuất từ xa xưa vẫn được giữ nguyên, nhưng nay, Bàu Trúc đã có những nét mới. Làng đã có một hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm, 11 cơ sở sản xuất với hơn 200 hộ gia đình sản xuất gia công - ông Đàng Chí Quyết, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, Trưởng ban quản lý khu phố làng nghề gốm Bàu Trúc tự hào nói.
Những năm 80 của thế kỷ trước, gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng như lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa… được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Chăm và nhiều dân tộc khác.
Mấy chục năm sau, thị hiếu của xã hội thay đổi. Để giữ nghề truyền thống và đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng, những người làm nghề ở làng gốm Bàu Trúc đã mày mò, nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ đời sống tinh thần và trang trí nhà cửa, sân vườn như: phù điêu hình người phụ nữ Chăm, tháp Chăm, đèn ngủ, chậu cây cảnh…
Những sản phẩm gốm trang trí bán khá chạy, tháng cao điểm nhất, cơ sở bán được hơn trăm sản phẩm - chị Đàng Thị Mỹ Hương nói.
Ngoài bán tại chỗ cho khách thăm quan, du lịch, những người thợ ở Bàu Trúc còn nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ. Họ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tiếp nhận đơn đặt hàng và ship sản phẩm đi khắp mọi miền Tổ quốc, kể cả ra nước ngoài khi khách có nhu cầu.
Mỗi năm, làng gốm cổ Bàu Trúc đưa ra thị trường hơn 12 nghìn sản phẩm các loại. Hồn cốt, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Chăm vẫn được lưu dấu đậm nét trên từng sản phẩm. Đây chính là yếu tố quan trọng để những người dân làng gốm Bàu Trúc vừa giữ nghề truyền thống, vừa tạo ra cơ hội để phát triển du lịch, biến văn hóa trở thành tài sản, mang lại cuộc sống khấm khá cho người Chăm.
400 người dân trong làng nhờ nghề gốm mà có công ăn việc làm ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,52% - ông Đàng Chí Quyết cho hay.
Trong nỗ lực biến “văn hóa trở thành tài sản”, tại làng nghề gốm Bàu Trúc nay đã thành lập Ban Du lịch cộng đồng dựa vào di sản do chính ông Đàng Chí Quyết làm Trưởng ban.
Địa điểm hoạt động của Ban đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng. Mô hình du lịch cộng đồng dựa vào di sản của làng nghề gốm Bàu Trúc có 40 thành viên tham gia. Họ chính là hạt nhân quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, có hoa văn đẹp mắt, nhất là hoa văn cổ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Hiện nay, Ban Du dịch cộng đồng và Ban quản lý khu phố Bàu Trúc đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo đó, Ban Tổ chức sẽ bán vé tham quan đối với khách du lịch. Khách du lịch được hướng dẫn viên đưa đến từng hộ gia đình, từng cơ sở làm gốm để trực tiếp trải nghiệm quy trình làm nghề cùng những người thợ nơi đây; được tự tay sáng tạo cho mình những sản phẩm gốm yêu thích.
Những người có trách nhiệm của làng gốm Bàu Trúc hy vọng, bằng cách kết hợp kỹ thuật cổ truyền ngày xưa với không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng đương đại, họ sẽ cùng với bà con tạo ra một sản phẩm du lịch mới, để du khách gần xa biết đến danh tiếng và tìm về Bàu Trúc ngày càng nhộn nhịp hơn. Cộng với danh xưng “làng nghề cổ nhất Đông Nam Á” là những yếu tố thuận lợi chắp cánh cho tiếng tăm gốm Bàu Trúc bay xa, bay cao đi khắp muôn nơi.
Làm được như vậy, vừa tạo thêm “kênh” đầu ra cho sản phẩm, vừa tăng thu nhập cho các hộ làm nghề, để người Chăm có thêm động lực để gắn bó, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc một cách hào hứng, bền vững và hiệu quả.
|
Bảo vệ nghệ thuật làm gốm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. |
Thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước
Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Nghề gốm giúp phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho con cái, tăng thu nhập, nâng cao vai trò của họ trong xã hội.
Di sản này còn gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Vì vậy, bảo vệ di sản là giữ gìn bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam.
Năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Marocco tối ngày 29/11/2022 theo giờ Hà Nội, nghệ thuật làm gốm của người Chăm Việt Nam tiếp tục được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo UNESCO, chủ thể văn hóa và người thực hành di sản này chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hằng ngày. Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại.
Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.
Hiện nay, số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau như sự đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, công tác bảo vệ di sản được tiến hành trong bốn năm, từ 2023 - 2026, bao gồm việc đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề.
Trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có 4 di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số, đó là: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Then Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái. |