Cao Bằng: Kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực hiện các chính sách dân tộc

Thứ ba, 06/12/2022 11:31
(ĐCSVN) - Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chú trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc; tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương...
Đồng bào dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. (Ảnh: baocaobang.vn)

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới với với tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 94,88% dân số toàn tỉnh. Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Năm 2022, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, được quần chúng nhân dân triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... Nhờ đó, đã góp phần quan trọng giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để thoát khỏi đói nghèo.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định thành lập tổ giúp việc Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đến  nay, thành lập 10/10 Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG cấp huyện và Thành phố.

Ngoài ra, đôn đốc, theo dõi các chủ dự án, chủ dự án thành phần triển khai nhiệm vụ, đẩy nhanh công tác giải ngân đảm bảo đúng kế hoạch; dự kiến phân bổ kinh phí Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Rà soát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp thực hiện chương trình MTQG năm 2022.

Trong năm, Ban Dân tộc tỉnh đã trình UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án 5, Tiểu dự án 4 “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai ở các cấp”; tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong tháng 12/2022, phấn đấu giải ngân hết ngày 31/12/2022 đạt 98%; tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín huyện Bảo Lạc, Hà Quảng; tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An, Thạch An và cụm xã tại huyện với 592 lượt người tham dự…

Thực hiện nội dung Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 06 Hội nghị tập huấn công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh (đạt 100% theo kế hoạch). Cùng với đó, đẩy mạnh truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Kết quả, số cặp kết hôn có tảo hôn giảm so với năm 2021 (năm 2021 có 258 cặp, năm 2022 có 100 cặp).

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương nhằm tạo chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào DTTS; tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học. Đôn đốc các huyện thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người có uy tín, theo đó, đến tháng 11/2022, thực hiện cấp báo cho người có uy tín được 359.562 tờ báo các loại, kinh phí thực hiện 1.131,58 triệu đồng; ở cấp huyện đã tổ chức cung cấp thông tin thời sự 06 cuộc cho 839 đại biểu người uy tín tham gia.

Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm giảm từ 4% trở lên, phấn đấu 62 xã và 24 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của người dân tộc thiểu số;…

Để tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, trong năm tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các Dự án, tiểu Dự án của các Chương trình MTQG theo đúng tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương, nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn tại các huyện nghèo.

Tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiên cứu xây dựng các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả; thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, dự án của chương trình. Thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt cả về chất lượng và số lượng theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về dân tộc...

Báo cáo về tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm vừa qua cho thấy: Về sản xuất, đời sống, tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm 2022 đạt 58.390 ha, tăng 1.187 ha (tăng 2,08%) so với cùng vụ năm trước. Tiến độ thu hoạch vụ mùa ước tính đến ngày 15/11/2022, cây lúa thu hoạch được 25.261 ha, bằng 95,1% so với diện tích gieo trồng và tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch ước đạt 110.047 tấn, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2022. Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”; triển khai đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô Đen tỉnh Cao Bằng” năm 2022. Phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Tranh đầu pháo, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa… Tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS ngàng càng được cải thiện.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực