|
Lớp bồi dưỡng Kỹ năng tư duy sáng tạo trong việc tham mưu xây dựng, thực hiện chương trình, chính sách, dự án tại vùng DTTS và miền núi cho công chức, viên chức tỉnh Cao Bằng, diễn ra ngày 24/11. (Ảnh: Thúy Hồng/Báo Dân tộc)
|
Bồi dưỡng kiến thức dân tộc là một trong những nội dung chính của Dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm mục tiêu nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại tỉnh Cao Bằng, hiện có trên 23.000 cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số theo Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc” là trên 21.400 người.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Đề án “bồi dưỡng kiến thức dân tộc” đối với cán bộ công chức, viên chức theo Quyết định 1719/QĐ-TTg và Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp cho cán bộ cơ sở được cập nhật, bổ sung, nâng cao về kiến thức dân tộc, công tác dân tộc, qua đó vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác, góp phần thực hiện tốt các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại cơ sở.
Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện thực hiện Đề án “bồi dưỡng kiến thức dân tộc” giai đoạn 2018-2025 với nhu cầu đào tạo 86 lớp, cho 6.391 cán bộ, công chức, viên chức, tổng kinh phí trên 14,3 tỷ đồng.
Hàng năm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc được Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức thực hiện, kết hợp thường xuyên trao đổi, liên hệ với Học viện Dân tộc - Uỷ ban Dân tộc mở một số lớp đào tạo thêm cho tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Học viện Dân tộc - Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức được 14 lớp cho 622 cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở, đạt 9,73% nhu cầu đào tạo bồi dưỡng.
Dự kiến trong quý IV/2022, thực hiện nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức 15 lớp cho 1.720 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đối tượng của Đề án, nâng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hết năm 2022 đạt 36,65%. Tiến tới kết thúc năm 2025, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 của địa phương được cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức dân tộc theo tiêu chí của Đề án.
Thông qua các lớp bồi dương giúp khắc phục một số hạn chế về kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả hơn công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Ông Bế Văn Hùng (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với đồng bào Lô Lô tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Ảnh: Minh Thu/Báo Dân tộc)
|
Là tỉnh miền núi, biên giới, với tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 94,88% dân số toàn tỉnh, Cao Bằng có ưu thế phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, có nhiều tiềm năng, thế mạnh gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc phát huy nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, hiện tỉnh cũng đang có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó yêu cầu bức thiết hiện nay là cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác quản lý với từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra trong quá trình tổ chức, thực hiện, tỉnh gặp một số hạn chế, vướng mắc như: Việc quy định, hướng dẫn Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc còn chung chung, chưa phân theo vùng miền; Nội dung của một số chuyên đề hiện nay đã cũ, chưa cập nhật kịp thời; một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng mức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc do đó ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, cử cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị theo yêu cầu,…
Thời gian tới, để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong thực hiện bồi dưỡng công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp về bồi dưỡng công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thường xuyên phối hợp với Học viện Dân tộc - Uỷ ban Dân tộc trao đổi, thống nhất các nội dung tài liệu, bài giảng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức bồi dưỡng công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả hơn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc để kịp thời phát huy ưu điểm, phát hiện cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng; khắc phục các hạn chế, khuyết điểm để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc…
Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm giảm từ 4% trở lên, phấn đấu 62 xã và 24 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của người dân tộc thiểu số;…
Về Kế hoạch thực hiện nội dung Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu tối thiểu 25% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh thuộc nhóm đối tượng 3 và nhóm đối tượng 4 được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 20% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 của cấp huyện, cấp xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số./.