Cơ hội lớn cho vùng “lõi nghèo” vươn lên phát triển toàn diện và bền vững

Thứ năm, 17/08/2023 09:46
(ĐCSVN) - Gắn kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ mở ra cơ hội lớn cho vùng “lõi nghèo” của cả nước vươn lên phát triển bền vững và toàn diện.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có 2.137 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), chiếm 62,23% xã được phân định của cả nước.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hoá.

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số thôn đặc biệt khó khăn chiếm tới gần 73% thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước. 

Địa bàn khu vực phía Bắc gồm 980 xã khu vực I, 137 xã khu vực II và 1.020 xã khu vực III, 9.623 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm gần 73% thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN cả nước.

Dân số cả khu vực gần 28 triệu người, trong đó có trên 8 triệu người thuộc 53 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 29% dân số.

Gần 99% người DTTS sống trên địa bàn 18 tỉnh, đông nhất là tại các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu… Chỉ có khoảng 1,33% người DTTS sống ở Hà Nội.

Theo ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình) cho biết tại Hội nghị sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, 19 tỉnh đã được giao tổng số vốn giai đoạn 2021 - 2023 là 26.536.057 triệu đồng, bao gồm 14.994.003 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 11.542.054 triệu đồng vốn sự nghiệp.

Nguồn vốn các tỉnh thực hiện Chương trình bằng ngân sách địa phương là 3.162.153 triệu đồng, chiếm khoảng 11,92%.

Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, Chương trình có nhiều dự án thành phần, phạm vi thực hiện rộng, nội dung đầu tư, hỗ trợ đa dạng và bằng nhiều hình thức khác nhau.

Do vậy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai công tác chuẩn bị thực hiện; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án theo thẩm quyền; thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, triển khai thực hiện các hợp phần dự án, tiểu dự án đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, tại các xã đã thành lập bộ máy giúp việc theo đúng quy định. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình; bám sát nắm tình hình triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn cơ sở thực hiện các nội dung của Chương trình.

Cách làm này của Tuyên Quang cũng là cách làm chung của các địa phương trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc khi tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2023.

Cùng với đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ trì Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 đến thời điểm tháng 7 và ước đạt đến 31/12/2023 tại khu vực phía Bắc rất khả quan.

Cụ thể:

* Nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch sớm gồm:

- Tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS&MN của 19 tỉnh trong khu vực bình quân đạt 3,61%, đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao. Trong đó, một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao như Lai Châu (193,3%), Thái Nguyên (168%), Tuyên Quang (166,7%)…

- Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt trung bình 91,7%, vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch được giao.

- Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trung bình 95,8%, vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao.

- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt trung bình 54,7%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 50% giao.

- Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt trung bình 98,3%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 97% giao.

- Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở đến trường đạt trung bình 96,8%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 95% giao.

- Tỷ lệ học sinh trong độ độ tuổi trung học phổ thông đến trường đạt trung bình 68,2%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 60% giao.

- Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt trung bình 96,4%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 90% giao.

- Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 80% giao.

- Tỷ lệ thôn có đội văn hoá, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đồng đạt trung bình 69,9%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 50% giao.

- Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đồng đạt trung bình 88,2%, vượt so với mục tiêu kế hoạch 80% giao.

 * Nhóm chỉ tiêu đã đạt tỷ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu kế hoạch được giao gồm:

- Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 99,2%/100%.

- Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 90,1%/100%.

- Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 92,3%/100%

- Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,6%/99%

* Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu khác:

- Tỷ lệ hộ di cư không theo quy hoạch được sắp xếp, bố trí ổn định đạt trung bình 53,5%/90%.

- Tỷ lệ hộ DTTS đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí đạt trung bình 42,5%/60%.

- Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt trung bình 93,8%/100%.

- Tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt trung bình 94,2%/100%

- Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 92,8%/98%.

- Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đồng đạt trung bình 91,9%/98%.

- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) đồng đạt trung bình 74,7/80%.

- Tỷ lệ người dân ở vùng DTTS&MN tiếp cận thông tin về bình đẳng giới thông qua các hoạt động truyền thông dựa vào cộng đồng đạt trung bình 60,8%.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số địa phương đã vượt mục tiêu về giảm nghèo được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá của Uỷ ban Dân tộc, mặc dù Chương trình mới được đưa vào tổ chức thực hiện trong thực tiễn từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và tính chủ động của các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh nên việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu sẽ vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Đối với nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, do kế thừa kinh nghiệm tổ chức thực hiện và không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quy định về cơ chế, chính sách liên quan nên được thực hiện khá thuận lợi tại địa phương.

Nói về hiệu quả Chương trình, lấy ví dụ tại tỉnh Thanh Hoá, một địa phương có tới 11 huyện miền núi, 6 huyện, thị có xã, thôn miền núi với 174 xã, thị trấn, 1.551 thôn bản, tổ dân phố thuộc vùng DTTS&MN, dân số DTTS chiếm 68,6% dân số trong vùng, ông Mai Xuân Bình - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá; cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân…

Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có bề dày lịch sử, nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, có truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia.

Tuy vậy, Trung du và miền núi phía Bắc hiện đang là “vùng trũng” trong phát triển và “lõi nghèo” của cả nước; sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển của vùng so với trung bình cả nước không những chưa được thu hẹp mà đang có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời thể hiện rõ khát vọng, ý chí, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng về tầm nhìn phát triển vùng Trung du và miền núi đến năm 2045: “là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường”. 

Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị thì những kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có vai trò quan trọng.

Gắn kết thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình sẽ mở ra cơ hội lớn cho vùng “lõi nghèo” của cả nước vươn lên phát triển bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước vào năm 2045./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực