Đa sắc, đa hương vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số

Thứ ba, 06/12/2022 15:51
(ĐCSVN) - Là thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa nghệ thuật cổ truyền, âm nhạc của mỗi dân tộc thiểu số ở nước ta gắn liền với đời sống tinh thần và tâm linh của đồng bào. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, âm nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, đặt ra vấn đề cần phải bảo tồn và phát huy bằng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Âm nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số đã góp phần làm đa dạng, phong phú nền âm nhạc Việt Nam.

Theo PGS. TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, các dân tộc thiểu số có tư duy về giai điệu, điệu thức, điệu quãng, nhạc cụ và cách thể hiện riêng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, âm nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Vấn đề bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống các dân tộc đang được đặt ra cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Để bảo tồn âm nhạc dân tộc, ngoài xây dựng các cơ chế, chính sách, các hoạt động đầu tư, mua sắm nhạc cụ theo các dự án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, cần phát huy vai trò của người dân với tư cách là chủ thể văn hóa, thông qua việc duy trì và truyền bá âm nhạc được thể hiện trên sân khấu nghiệp dư.

Hiện nay, tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và có phong cảnh tự nhiên tươi đẹp thì du lịch được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế. Trong các sản phẩm du lịch thì âm nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số chính là một “đặc sản”, là yếu tố tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống và tạo nên sức hấp dẫn với du khách.

Rất mừng là các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc đã bắt đầu được tiếp sức bởi Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025. Trong Dự án này, nhạc cụ dân tộc là một nội dung được hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy. 

 Các dân tộc thiểu số nước ta có hàng trăm loại nhạc cụ khác nhau với đủ nhóm: nhạc cụ hơi, màng rung, tự thân vang khi va đập…, đồng thời đa dạng về cách chế tác. Có loại dùng lá cây để thổi, có loại được chế tác hoàn toàn bằng tre, nứa; có loại kết hợp giữa chất liệu thiên nhiên với kim loại; có loại làm hoàn toàn từ kim loại... (Trong ảnh: Nghệ sỹ dân gian Cao Dy, người dân tộc Raglai giới thiệu và hướng dẫn du khách trải nghiệm Đàn đá - nhạc cụ thô sơ nhưng độc đáo, gắn với đời sống tinh thần của người Raglai huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa )
 Giai điệu âm nhạc dân tộc thiểu số ở nước ta mang đậm dấu ấn vùng miền. Trong đó, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng miền núi phía Bắc độc đáo và đặc sắc với khèn, sáo, kèn lá, đàn tính… (Trong ảnh: Đàn tính là nhạc cụ đặc trưng của người Tày, Nùng, Thái các tỉnh miền núi phía Bắc)
 Các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có dàn nhạc cồng chiêng, trống da voi, kèn sừng trâu, đàn T'rưng, khèn bầu, đàn đá, đàn ống tre, sáo đinh năm, lục lạc... (Trong ảnh: Đàn T’rưng là nhạc cụ cổ truyền nổi tiếng của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên)
Vùng Duyên hải Nam Trung bộ với trống Parnưng, trống Ghi năng, kèn Saranai của người Chăm... (Trong ảnh: Các nghệ sĩ dân gian người dân tộc Chăm ở làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận say sưa luyện tập để biểu diễn âm nhạc truyền thống). 
 Âm nhạc vùng đồng bằng Nam Bộ đặc sắc, tiêu biểu với dàn nhạc Ngũ âm thường dùng trong các nghi lễ quan trọng, lễ hội tại các ngôi chùa của dân tộc Khmer. (Trong ảnh: Trình diễn âm nhạc cổ truyền tại Tết mừng năm mới Chol Chnam Thmay năm 2022 của đồng bào dân tộc Khmer sóc Tà Ngáo, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Tại nhiều làng du lịch cộng đồng, đồng bào đã đưa nhạc cụ của dân tộc mình lên sân khấu, góp phần phổ biến nhiều thể loại âm nhạc dân gian tới công chúng. (Trong ảnh: Biểu diễn múa khèn của người Mông huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Với người Mông, khèn là nhạc khí thiêng, kết nối giữa cõi trần với thế giới tâm linh, là phương tiện kết nối cộng đồng).
 Các nhạc cụ truyền thống hòa âm thành những giai điệu mang đậm âm hưởng hùng vĩ, bao la của núi rừng.(Trong ảnh: Biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
Âm nhạc truyền thống còn mang lại việc làm, thu nhập cho các nghệ sĩ không chuyên đang biểu diễn tại các khu, điểm du lịch; tạo động lực để các nghệ sĩ tìm tòi hướng đi mới cho âm nhạc dân tộc phù hợp với cuộc sống đương đại. 
Phát triển các đội văn nghệ dân tộc thiểu số tại các làng bản, điểm du lịch cộng đồng là cách làm tốt để vừa góp phần bảo tồn, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy du lịch phát triển. (Trong ảnh: Đội văn nghệ của người Raglai tại Khu du lịch Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa)
 Chấn hưng âm nhạc truyền thống bằng cách đưa lên sân khấu tại các khu, điểm du lịch là một giải pháp phù hợp, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy vốn di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số Việt Nam, để di sản đó trở thành tài sản, mang lại việc làm, thu nhập cho đồng bào các dân tộc. (Trong ảnh: Đội văn nghệ của người K’ho dưới chân núi Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)
Quỳnh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực