Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số
|
Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị tuyên truyền bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022. Ảnh: Ban Dân tộc. |
Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trong năm 2022, các cấp, các ngành và địa phương đã kịp thời thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ban Dân tộc đã kịp thời tham mưu ban hành các cơ chế chính sách và phân bổ vốn đảm bảo thời gian yêu cầu của Thủ tướng chính phủ; tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá chương trình kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đối với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, hiện nay, các huyện, thành phố và các sở, ngành theo chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 đang triển khai thực hiện. Đồng thời, đã tổ chức Hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin và tham quan, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín năm 2022.
Riêng về thực hiện chính sách đối với người có uy tín, năm 2022 kinh phí được giao là 877 triệu đồng, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND các huyện và thành phố Gia Nghĩa tổ chức thăm, tặng quà cho 295 người có uy tín trong đồng bảo dân tộc thiểu số nhân dịp tết Nguyễn đán Tân Sửu 2022 với tổng kinh phí là: 147,5 triệu đồng, đồng thời, cấp phát.
Cùng với đó, qua các buổi tuyên truyền cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới; tiến tới dần xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan niệm lạc hậu về giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ít người. Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ trong vùng dân tộc thiểu số. Bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…
Kết quả Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông tính đến ngày 18/10, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ 556 hộ, với số tiền 2.293.000.000 đồng. Nhìn chung, các huyện, thành phố đã kịp thời triển khai thực hiện chính sách, qua đó đã hỗ trợ lãi suất cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế tại địa phương.
Cùng với các chương trình chính sách dân tộc của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh; các chính sách an sinh xã hội; chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách đồng bào dân tộc thiểu số...đã góp phần ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn nhiều khó khăn từ thực tế
|
Nhiều thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện khiến việc giải ngân vốn chưa đến được với bà con đồng bào DTTS. |
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 11 năm nay, nguồn vốn đầu tư thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Đắk Nông vẫn chưa được giải ngân. Nguyên nhân chậm được Đắk Nông xác định là do các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý. Mặt khác, ngân sách Trung ương phân bổ chậm và mức kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông thụ hưởng 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Triển khai Chương trình, ngày 30/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1078 về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với tổng số tiền hơn 758 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư gần 585 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 174 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên vẫn chưa được giải ngân. Nguyên nhân vướng mắc dẫn đến việc giải ngân chậm được các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Đắk Nông lý giải là do ngân sách Trung ương phân bổ chậm và mức kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, do các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Đắk Nông chậm hoàn thiện các thủ tục pháp lý…
Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương rất lớn, phải huy động nhiều từ người dân nên khó thực hiện. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chung chung, nhất là về các định mức hỗ trợ.
Tìm hiểu thực tế tại địa phương cho thấy, các văn bản hướng dẫn còn chung chung nên khó thực hiện và áp dụng. Cụ thể, như, việc hỗ trợ gạo cho người dân tộc thiểu số bảo vệ rừng thì hiện nay chưa có định mức là hỗ trợ bao nhiêu; về phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa có văn bản về danh mục, thiết bị đào tạo tối thiểu cho từng ngành nghề đối với trình độ sơ cấp dưới 3 tháng; về việc đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ tối đa; việc xuất khẩu lao động chỉ còn vài tháng cuối năm nên hầu hết lao động có tư tưởng ở nhà đón Tết không muốn đi xuất khẩu lao động;… Từ nguyên nhân này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh được áp dụng các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kiến nghị được chuyển nguồn qua năm 2023 thì mới có thể triển khai được.
Được biết, ngoài việc vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, việc thực hiện một số nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia còn vướng do tỉnh Đắk Nông chưa thực hiện xong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Đến đầu tháng 11 năm nay, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của huyện và tỉnh Đắk Nông vẫn chưa phê duyệt, dẫn đến việc hỗ trợ nhà ở rất khó khăn.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương, muốn hỗ trợ nhà ở thì phải có đất ở, trong khi đó quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa được phê duyệt, đồng nghĩa với việc chưa xác định đất trên thực tế thì không thể giải ngân nguồn vốn được. Ngoài ra, đối với các đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ đất sản xuất thông qua các chương trình đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có định mức cụ thể.
Từ những khó khăn, vướng mắc cả về chủ quan và khách quan nêu trên, mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đắk Nông kiến nghị các bộ, ngành Trung ương báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 được tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Giải đáp các kiến nghị của tỉnh Đắk Nông, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Ngọc Hưng cho biết, ngoài các Quy định, hướng dẫn của Trung ương, thì các tỉnh, nhất là các sở, ngành và địa phương cần chủ động tham mưu những giải pháp thực hiện sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Theo tinh thần của Nghị định 27 và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đã đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho địa phương, nên ở mỗi địa phương sẽ có những cách làm khác nhau.
“Tuy nhiên, dù cách làm nào, vẫn phải bảo đảm mục tiêu cuối cùng là đã phân cấp trao quyền thì địa phương phải chủ động xây dựng các quy trình thực hiện đúng các quy định của pháp luật” ông Hưng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh tinh thần phát huy tính sáng tạo chủ động, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, không áp đặt khung chung cho tất cả, nhất là khu vực Tây Nguyên lại có đặc thù riêng về bản sắc văn hóa, vị trí địa lý và phong tục tập quán...
Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình…
|
Tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh trong năm 2023. |
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng nêu rõ 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ đó là: Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, đến nay, việc thực hiện các Chương trình còn chậm so với yêu cầu của Trung ương và kế hoạch của tỉnh đề ra. Để thực hiện tốt hơn trong năm tới, tỉnh Đắk Nông đề ra mục tiêu của ba chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 là: giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân ít nhất 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít nhất 5%; và toàn tỉnh có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện 3 Chương trình này, tỉnh Đắk Nông dự kiến phân bổ gần 1.050 tỷ đồng triển khai các nội dung: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và giảm nghèo bền vững; trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 855 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 195 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, việc phân bổ cho ba chương trình được cụ thể như sau: chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 480 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững hơn 330 tỷ đồng; và chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 237 tỷ đồng.
Theo đó, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện thành phố sẽ triển khai một số nội dung, dự án cụ thể, bao gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với kế hoạch đã đề ra cũng như rút kinh nghiệm của năm 2022, hy vọng rằng, trong năm 2023, tỉnh Đắk Nông sẽ sớm thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra, các địa phương trong tỉnh không còn tình trạng bị khát vốn; bà con dân tộc vùng núi, vùng cao sẽ được sống trong những ngôi nhà kiên cố hơn, có đủ đất sản xuất và tỉnh sẽ xây thêm được một số công trình, dự án phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân như trong Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra, đem lại những ý nghĩa thiết thực hơn./.