Đắk Nông: Hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ

Thứ sáu, 25/11/2022 16:49
(ĐCSVN) - Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (gồm các dân tộc: M’Nông, Mạ, Ê Đê, kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) có nơi thường trú trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được hỗ trợ lãi suất bằng 40% số tiền lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ gia đình/năm.
Đời sống nâng cao, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được tổ chức và phục dựng. (Ảnh: PV)

Đây là nội dung trong Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành từ ngày 15/12/202.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ đối tượng áp dụng là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh (dân tộc: M’Nông, Mạ, Ê Đê, kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ); Các Ngân hàng thương mại và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Mức hỗ trợ lãi suất: mức hỗ trợ lãi suất bằng 40% số tiền lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ gia đình/năm.

Điều kiện hỗ trợ lãi suất: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (gồm các dân tộc: M’Nông, Mạ, Ê Đê, kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ) có nơi thường trú trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam theo cơ chế cho vay hiện hành tại các Ngân hàng thương mại; Có hợp đồng tín dụng vay vốn tại các Ngân hàng thương mại. Hợp đồng tín dụng vay vốn sử dụng vào các mục đích: Sản xuất, kinh doanh.

Chính sách quy định tại Nghị quyết này không áp dụng đối với các trường hợp đang được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất khác của Trung ương và của tỉnh Đắk Nông; vay vốn không trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hình thức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ lãi suất: Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh theo mức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ lãi suất được quy định tại các nội dung nêu trên; Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng phát sinh lãi suất từ ngày 01/01/2022.

Trình tự, hồ sơ thủ tục hỗ trợ lãi suất: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có nhu cầu được hỗ trợ lãi suất, nộp 01 (một) bộ hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thường trú. Hồ sơ gồm có: Giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này; Hợp đồng vay vốn tín dụng (bản chính hoặc bản sao đã được công chứng hoặc chứng thực); Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (bản sao đã được công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu) và biên lai thu tiền lãi của ngân hàng (bản chính). Đối với trường hợp không có biên lai thu tiền lãi do bị mất mát, hư hỏng hoặc do phương thức thu lãi của Ngân hàng thương mại mà không có biên lai thu tiền lãi thì được thay thế bằng giấy xác nhận của ngân hàng về số tiền lãi mà người vay đã đóng theo hợp đồng vay vốn hoặc lập lại phiếu thu tiền lãi. 

Cơ quan giải quyết và thời hạn giải quyết hỗ trợ lãi suất: UBND cấp huyện là cơ quan giải quyết hỗ trợ lãi suất, giao cho cơ quan công tác Dân tộc cùng cấp thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Nghị quyết cũng nêu rõ, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc (kể từ khi nhận được hồ sơ) cơ quan thực hiện hỗ trợ lãi suất có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện hỗ trợ lãi suất. Trường hợp cần kiểm tra, xác minh thì tổng thời gian xem xét giải quyết trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc. Trường hợp không hỗ trợ, phải thông báo bằng văn bản cho đối tượng đề nghị hỗ trợ biết lý do.

Được biết, chính sách hỗ trợ lãi suất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã được Đắk Nông thực hiện từ năm 2015, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 43/2014/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Sau 6 năm (2015 – 2021), toàn tỉnh có hơn 5.800 lượt hộ gia đình được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng. Việc hỗ trợ đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, hạn chế tình trạng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vay vốn “tín dụng đen”./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực