Gia Lai: Triển khai sâu rộng những nội dung bình đẳng giới

Thứ ba, 29/08/2023 21:30
(ĐCSVN) - Thực hiện bình đẳng giới, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý 

* Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai vừa tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng và truyền thông về hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vụ việc liên quan tới phụ nữ, trẻ em cho hơn 300 cán bộ các sở, ban, ngành cũng như cán bộ, hội viên phụ nữ đến từ Hội LHPN các địa phương trong tỉnh.

Tại lớp tập huấn và truyền thông, các giảng viên đã cung cấp kiến thức về: nhận diện các loại tội phạm; các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay; các thủ đoạn lợi dụng phụ nữ, trẻ em; kỹ năng phòng chống đuối nước, ngộ độc thực phẩm, phòng chống xâm hại, bạo lực gia đình… Đồng thời, tổ chức các hoạt động hướng dẫn học viên tham gia thực hành các kỹ năng đảm bảo an toàn và xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Mục đích của hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội. Qua đó, hướng tới mục tiêu giảm thiểu những vụ mua bán người, bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, trẻ em, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

* Tại huyện Chư Sê, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới được triển khai tại 5 xã: Ayun, Hbông, Ia Ko, Al Bá và Ia Blang. Các chỉ tiêu chính của dự án đến năm 2025 gồm: Thành lập và duy trì hoạt động của 9 tổ truyền thông cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì 5 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; thành lập 1 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có hoặc thành lập mới 2 địa chỉ tin cậy cộng đồng; tổ chức các cuộc tập huấn về bình đẳng giới cho đội ngũ lãnh đạo, già làng,  trưởng bản, người có uy tín, các chị em phụ nữ.

Ngoài ra, 80% phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao của huyện Chư Sê được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn; xây dựng 4 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; tổ chức 6 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

* Tại thành phố Pleiku, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đã khai mạc lớp tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá các nội dung liên quan đến bình đẳng giới cho 50 cán bộ Hội LHPN. Theo đó, các học viên được nghiên cứu 3 chuyên đề: hướng dẫn đánh giá, giám sát cho cán bộ cơ sở; hướng dẫn đối thoại chính sách; phát triển nâng cao năng lực lồng ghép giới chương trình 2 cho cán bộ hội cấp xã.

Lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trang bị những kiến thức, kỹ năng về đánh giá, giám sát dự án cho đội ngũ cán bộ hội. Sau khi kết thúc lớp tập huấn, học viên cần không ngừng trau dồi thêm để nâng cao năng lực, tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái, thực hiện hiệu quả hoạt động liên quan.

* Tại huyện Chư Păh, 1 năm qua, có 31 làng đặc biệt khó khăn thuộc 9 xã, thị trấn của huyện tiếp cận với các hoạt động bình đẳng giới. Đến nay, toàn huyện đã có 59 trường hợp được hưởng gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; nâng cao chất lượng 12 mô hình địa chỉ tin cậy; thành lập 12 tổ truyền thông cộng đồng và 5 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết nhiều khó khăn đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại các địa phương./.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực