Giải pháp đột phá tạo sự phát triển toàn diện, bền vững

Thứ tư, 16/08/2023 15:23
(ĐCSVN) - Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội Khoá XIV thông qua là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội Khoá XIV thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2019 là sự kiện quan trọng, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nghị quyết được ban hành sau khi Quốc hội xem xét một số lý do sau:

Thứ nhất, vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) và vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nước ta có 53 DTTS, chiếm 14,6% dân số cả nước, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 576 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia). Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Một góc xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Vùng DTTS, MN có nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị như: vàng, nhôm, thiếc, than, ăng ti mon..; có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; nơi có trên 14,4 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Trung Sơn (Thanh Hóa), Hàm Thuận - Đa Mi (Bình Thuận), Yaly (Gia Lai), Ba Hạ (Phú Yên)… vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vùng DTTS khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Thứ hai, xuất phát từ thực trạng KT-XH vùng DTTS, MN và vùng ĐBKK là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.

Để giải quyết những cái “nhất” này, cần thiết phải xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK giai đoạn 2021- 2025, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.

Vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%), cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng bào các DTTS được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước. Theo điều tra thu thập thông tin 53 DTTS lần thứ hai, vùng DTTS, MN còn hơn 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt; khoảng 30% học sinh DTTS chưa được đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế của người DTTS mới đạt 44,8%; gần 1/3 số hộ DTTS chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; hơn 15,3% số hộ gia đình người DTTS ở nhà tạm, đặc biệt có 14 dân tộc có tỷ lệ nhà ở tạm gần 50%; 2/3 số hộ DTTS chưa có nhà xí hợp vệ sinh…

Xoá đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững là một  mục tiêu trong Kế hoạch hành động quốc gia Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững và Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.

Vùng DTTS đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Thu nhập bình quân đầu người của DTTS chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% hộ nghèo của cả nước.

Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao lên đến 70 - 80% như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng.

Vùng DTTS chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường (sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung...) diễn ra nghiêm trọng và khó lường... Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, MN và vùng có điều kiện ĐBKK, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của vùng DTTS.

Thứ ba, xuất phát từ thực trạng nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi chính sách; nguồn lực phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đòi hỏi phải đổi mới chính sách đầu tư phát triển KT-XH cho vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK.

Theo quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, thời gian qua, có rất nhiều bộ, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Quốc phòng, Công an... và Ủy ban Dân tộc) cùng tham gia xây dựng, quản lý, theo dõi chính sách ở vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK.

Điều này dẫn đến đa số các chính sách được xây dựng và thực hiện theo yêu cầu, trách nhiệm của từng bộ, ngành mà thiếu sự điều phối chung, từ đó tạo ra sự trùng lặp, phân tán, thiếu kết nối giữa các chính sách.

Đồng bào các DTTS sinh sống ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách Trung ương, nên khó có thể lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó, ngân sách Trung ương chưa bố trí đủ được nguồn vốn riêng để thực hiện chính sách. Do vậy, nhiều chính sách nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, không đạt được mục tiêu đã đề ra.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững và Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.

Mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ghi rõ: “Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững”.

Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát này, nước ta đã xác định 17 mục tiêu cụ thể, trong đó có 15/17 mục tiêu trực tiếp liên quan đến vùng DTTS.

Đó là các mục tiêu:

- Mục tiêu 1: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi

- Mục tiêu 2: Xoá đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

- Mục tiêu 3: Bảo đảm cuộc sống khoẻ mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi

- Mục tiêu 4: Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người

- Mục tiêu 5: Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái

- Mục tiêu 6: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người

- Mục tiêu 7: Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người

- Mục tiêu 8: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người

- Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hoá bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới

- Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng trong xã hội

- Mục tiêu 11: Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng

- Mục tiêu 12: Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Mục tiêu 13: Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai

- Mục tiêu 15: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hoá, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất

- Mục tiêu 16: Thúc đẩy xã hội hoà bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh, vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực