Khắc phục hạn chế để hỗ trợ tốt hơn đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 02/12/2022 00:10
(ĐCSVN) – Nhìn lại những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ các chương trình, dự án trước đó giúp chúng ta thực hiện các Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hiệu quả, đúng đối tượng, làm thay đổi căn bản đời sống của người dân nơi đây.

Chương trình 135 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh chóng

Chương trình 135 phát triển KTXH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa được Chính phủ phê duyệt thực hiện bắt đầu từ năm 1999, chia làm 3 giai đoạn và được Chính phủ đầu tư rất lớn. Sau 7 năm triển khai giai đoạn I (1999 – 2005), Chương trình đã xây dựng được 20.026 công trình hạ tầng, hoàn thành 300 trung tâm cụm, xã đưa vào sử dụng, hoàn thành trên 50.000km đường các loại, 96% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã.

Ở giai đoạn II, trong 5 năm (2006 – 2010), Chương trình được triển khai thực hiện trên 1.848 xã và 3.274 thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm 2006) xuống 28,8% (năm 2010). Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 4,2 triệu đồng/người/năm. Tăng tỷ lệ xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản đạt 80,7%, 100% xã có trạm y tế; 100% người dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Chương trình 135 giúp tạo sinh kế cho nhiều người dân. Ảnh: TH

Ở giai đoạn III, Chương trình 135 được chia làm 2 giai đoạn: 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Chương trình được thiết kế có nhiều đổi mới so với giai đoạn trước với hướng đầu tư trực tiếp tới người dân, không chỉ bao gồm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Chương trình hỗ trợ kết cấu hạ tầng đầu tư cho hơn 2.500 công trình, bao gồm: 1.105 công trình chuyển tiếp và hơn 1.300 công trình khởi công mới, đạt 90% kế hoạch đề ra. Hỗ trợ phát triển sản xuất 554.348 hộ, chủ yếu là hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất. Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thực hiện được hơn 470 lớp tập huấn đối với cán bộ xã và cán bộ cộng đồng”.

Từ năm 2016 đến hết năm 2019, Chương trình 135 được bố trí tổng nguồn vốn gần 20 nghìn tỷ đồng. Các nguồn lực này đã góp phần không nhỏ giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế qua đó vươn lên thoát nghèo. Với nỗ lực thực hiện, đến năm 2019, có 125 xã của 29 tỉnh và 1.298 thôn của 39 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Sau 20 năm triển khai thực hiện Chương trình 135, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, giúp bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay, cuộc sống của người dân tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng bên cạnh đó, Chương trình 135 vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là không đạt mục tiêu giảm nghèo đã đề ra (theo từng giai đoạn, ví dụ giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 3,5%/năm/4% kế hoạch).

Những khó khăn, vướng mắc từ thực tế... 

Khi được hỏi về những hạn chế của Chương trình 135, nhiều cán bộ địa phương cho biết, vướng mắc đầu tiên phải kể đến là khó khăn về chính sách. Các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, hướng dẫn tiêu chí phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình. Nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đủ để đáp ứng nên không theo kịp với thực tiễn gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, có nhiều hạn chế được chỉ ra, đó là việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư để “xã có công trình, dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập” chưa đạt yêu cầu, do năng lực cán bộ xã còn nhiều hạn chế, nhiều công trình hoàn thành không thể quyết toán được.

Việc khảo sát, xét duyệt đối tượng thụ hưởng chưa chặt chẽ. Các ngành chức năng và chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ trong việc đánh giá hiệu quả sau đầu tư đối với một số loại cây trồng, vật nuôi để nhân rộng.

Chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đạt hiệu quả chưa cao, phần lớn lao động sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng doanh nghiệp phải đào tạo lại...

 Người dân xã Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nghe hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, việc đầu tư còn dàn trải, suất đầu tư quá thấp, nhiều khi số tiền chỉ mang tính hỗ trợ, rất khó để đầu tư cho một công trình xây dựng, nên việc đầu tư trở nên manh mún.

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, khi xây dựng dự toán, cấp trên không tính định suất đầu tư miền núi so với đồng bằng. Vĩ dụ như huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), số tiền xây dựng tăng xấp xỉ 2 lần so với đồng bằng do công vận chuyển, giá thành đều cao hơn. Do đó, việc cào bằng đầu tư giữa miền núi và miền xuôi, vùng sâu vùng xa và trung tâm là không thỏa đáng.

Ngoài những khó khăn về chính sách, những khó khăn trong việc thực thi Chương trình cũng khiến các địa phương gặp khó: Công tác quản lý, duy tu, bảo quản các công trình ở cơ sở, nhất là công trình nước sinh hoạt. Đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chưa xây dựng được các mô hình điển hình mang lại thu nhập cho người dân để nhân rộng.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số nhà quản lý, hiện nay vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, bao cấp của Nhà nước, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân vào chính sách hỗ trợ, chưa khuyến khích được người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn mặc dù đã được sửa đổi nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét.

Rút kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả các Chương trình khác

Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN 2021-2030 được Quốc hội giao thực hiện trong 10 năm là một chương trình dài hơi, với nguồn lực khá lớn. Khi xây dựng Chương trình, Chính phủ cũng chọn nhiều nội dung hỗ trợ không trùng lắp với các chương trình khác, mang tính chất đào tạo, thúc đẩy hơn là hỗ trợ trực tiếp cho vùng dân tộc thiểu số và người dân. Điển hình như các chương trình: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư; Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo cán bộ, tăng cường công tác truyền thông...

Việc thực hiện Chương trình cũng được đề ra theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình...

Để nhanh chóng đưa Chương trình đến với người dân, đồng thời mỗi đồng tiền đầu tư đều mang lại hiệu quả, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Chương trình, lắng nghe và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tổ chức nhiều cuộc họp tiếp nhận ý kiến, bàn giải pháp tháo gỡ; thúc đẩy quá trình giải ngân vốn đầu tư.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Tuy nhiên, kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai chương trình, giải ngân vẫn còn chậm trễ; các văn bản chỉ đạo điều hành chưa theo kịp tiến trình công việc; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa nhịp nhàng…

Để việc triển khai Chương trình hiệu quả hơn, các cơ quan thực thi cần đẩy mạnh  việc cân đối vốn, sớm bố trí vốn nhằm  giúp địa phương đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tránh để lâu dẫn đến đội vốn, đồng thời có chính sách khích lệ đối với địa phương hoàn thành sớm mục tiêu Chương trình.

Triển khai sớm dự án đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ cấp cơ sở, tăng cường trình độ đội ngũ này bởi đây là những người vừa là đối tượng của Chương trình, là mục tiêu của Chương trình, cũng là người thực hiện Chương trình, coi họ là “đòn bẩy” giúp Chương trình đạt kết quả sớm và cao nhất. Vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã trong cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cần gắn bồi dưỡng về chính trị - chuyên môn với giáo dục phẩm chất, ý thức tinh thần trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở.

Việc tăng cường huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thực hiện Chương trình, trong đó có nguồn lực từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cho sự việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, tham gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, tặng cường sử dụng nhân lực, đất đai khu vực này cũng sẽ góp phần nhanh chóng làm thay đổi cơ bản diện mạo các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng đồng bằng, góp phần sớm thực hiện mục tiêu mà Chương trình đã đề ra./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực