“Lắng nghe nhân dân nói” và “nói cho nhân dân nghe”

Thứ năm, 24/11/2022 14:49
(ĐCSVN) - Họ - những cán bộ người dân tộc thiểu số đã chủ động đến với nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ “lắng nghe nhân dân nói” và “nói cho nhân dân nghe”. Qua đó, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách rất tự nhiên. Đồng thời, những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc, kiến nghị của nhân dân qua họ đã đến được với cấp ủy, chính quyền.
Trong số 299 đại biểu được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức có nhiều người là những cán bộ người dân tộc thiểu số. 

Trong số 299 đại biểu được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 – 2022 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tới đây có nhiều người là những cán bộ người dân tộc thiểu số. Họ luôn tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để xây dựng, củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong số đó phải kể đến ông Đàng Dũng, dân tộc Chăm, tôn giáo Bà lamôn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trong những năm qua, ông luôn tích cực phối hợp với các thành viên Ban công tác Mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đến với nhân dân. Với nỗ lực của mình, ông góp phần nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, mọi người dân luôn có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Ông Đàng Dũng còn chủ động phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 20 Họ tộc tự quản về an ninh trật tự. Bản thân ông đã đứng ra vận động Họ tộc góp vốn xây dựng quỹ cho Họ tộc với số tiền trên 20 triệu động/01 Họ tộc để cho những người khó khăn trong Họ tộc mượn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, ông còn tổ chức họp mặt hằng năm cho các vị chức sắc tôn giáo trên địa bàn xã để trao đổi thông tin về những mặt làm được và chưa được của các tôn giáo trên địa bàn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện cho những năm tiếp theo.

Một tấm gương khác được vinh danh trong đợt này là ông Thao Lợi, dân tộc Brâu, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ông luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, cán bộ và nhân dân thôn Đăk Mế thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Ông góp phần làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số; giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển dịch vụ nhằm tăng thu nhập và đời sống.

 

Ông Triệu Phúc Hiến, dân tộc Dao, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn)

Ông Triệu Phúc Hiến, dân tộc Dao, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là người đã tuyên truyền vận động nhân dân, đặc biệt là người Dao giữ gìn tập quán tín ngưỡng riêng của người Dao như: Giữ gìn chữ viết (bằng cách tham gia mở các lớp học cho con cháu học; viết chữ nôm Dao và học hát giao duyên), giữ gìn trang phục, lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, lễ tạ mã, lễ thượng thiền, tết thanh minh… được duy trì và bảo tồn từ đời này sang đời khác; vận động nhân dân từ bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những phong tục gây tốn nhiều kinh phí cho gia đình….

Hay ông Đinh Bơ, dân tộc Ba Na, Trưởng ban Công tác Mặt trận làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Trong giai đoạn 2017-2022, ông đã phối hợp vận động các hộ dân xây tường rào, cổng ngõ, 100% hộ có hố rác, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh. Ông còn vận động nhân dân đóng góp 50 ngày công lao động, hiến đất và bê tông các đoạn đường liên xóm theo chương trình Nhà nước hỗ trợ xi măng nhân dân cùng làm; vận động mỗi hộ dân tự mua lắp một bóng đèn điện trước nhà tạo ánh sáng cho đoạn đường liên xóm ở khu dân cư...

Đó còn là ông Thạch Chum, dân tộc Khmer, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trong giai đoạn 2017-2022, ông đã vận động 34 hộ hiến đất làm đường trong ấp với chiều dài 1.280m; vận động các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng được 11 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, trên 2.000 suất quà và nhu yếu phẩm hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên lên đường nhập ngũ và hộ khó khăn do ảnh hưởng COVID-19... với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.

Cùng với đó, ông Thạch Chum còn vận động thành lập 06 tổ tự quản về an ninh trật tự; vận động từng hộ dân làm bản cam kết không tham gia các tệ nan xã hội; hằng năm vận động kinh phí để các tổ hoạt động như: trực các ngày lễ, tết và tuần tra vào ban đêm; phối hợp với công an xã giải tán 3 vụ đá gà và 4 vụ đánh bạc với hình thức ăn tiền, đưa 2 thanh niên đi cai nghiện ma túy… Từ đó tình hình an ninh trật tự xã hội trong ấp đã được ổn định. Với cống hiến của mình, ông Thạch Chum đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen năm 2019; UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen vào tháng 7/2022.

Ông Thạch Chum, dân tộc Khmer, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Cù Lao. 

Tấm gương được giới thiệu từ cơ sở, ông Điểu K Ít, dân tộc Mạ, theo đạo Tin lành, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Cựu Chiến binh, Chi hội trưởng Hội Nông dân Buôn Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Với vai trò là Già làng, ông đã vận động nhân dân trong Buôn nhận giao khoán, quản lý bảo vệ 660 ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên; xây dựng “Tổ cộng đồng tự quản bảo vệ rừng” gồm 22 thành viên, luân phiên cắt cử thành viên cùng với lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Điều mà ông Điểu K Ít được nhân dân đánh giá cao chính là xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” và được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng công nhận năm 2020. Mặt khác, ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong Buôn cho trẻ đến trường đạt tỷ lệ 100%; vận động duy trì Tổ hòa giải trong Buôn với 22 thành viên, qua đó nhiều năm liền trong Buôn không xảy ra vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phải chuyển lên cấp trên xử lý. Ông còn vận động bà con xóa bỏ tập quán canh tác du canh du cư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tham gia phát triển kinh tế.

Và còn rất nhiều những tấm gương, những việc làm cao cả, những hành động đẹp, những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của những Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận mà trong bài viết này chúng tôi không thể kể hết. Chỉ biết rằng, đó chính là những nhân tố luôn “lắng nghe nhân dân nói” và “nói cho nhân dân nghe”, góp phần quan trọng trong củng cố, phát huy vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực