Người Dao ở Hợp Sơn phát triển sinh kế bền vững từ nghề thuốc nam truyền thống

Thứ năm, 12/10/2023 21:59
(ĐCSVN) - Bên cạnh Vườn Quốc gia Ba Vì xanh thẳm, bản người Dao ở thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) hiện lên với nhiều nếp nhà khang trang, hiện đại, vương vấn mùi thơm ngọt dược liệu thuốc Nam đặc trưng của người dân tộc Dao. Nơi đây giờ đã được công nhận thành làng nghề truyền thống với bộ mặt nông thôn đang khởi sắc từng ngày.

Trong khi ở nhiều nơi, sản xuất dược liệu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì người Dao thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội, hoàn toàn chỉ sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, được khai thác từ rừng sâu, núi thẳm của dãy Ba Vì hoặc do bà con tự trồng để chủ động đầu vào của nguyên liệu.

Anh Dương Trung Thân - người có thâm niên hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hợp Sơn, đồng thời cũng là một người Dao hành nghề bốc thuốc nam cho biết, theo lời kể của các cụ, bảy, tám trăm năm trước, người Dao di cư từ nơi khác đến định cư ở sườn Tây dãy núi Ba Vì.

Núi Ba Vì nổi tiếng bởi sự đa dạng của các hệ sinh thái, có hệ thực vật phong phú với hàng trăm loại dược liệu quý có thể làm thuốc trị bệnh cứu người. Cộng đồng người Dao nơi đây trải qua hàng trăm năm nghiên cứu, trao truyền đã để lại cho hậu thế những bài thuốc nam gia truyền trị được hàng trăm loại bệnh khác nhau, trong đó có những bệnh Tây y bó tay.

Tại nhà thuốc của anh Dương Trung Thân, chúng tôi tình cờ gặp ông Đinh Công Thân, cũng là một thầy lang dân tộc Mường ở thôn Viên Nam, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cách đó hơn 40 km tới lấy thuốc chữa bệnh khớp cho vợ và hàng xóm.

Vợ chồng anh Dương Trung Thân ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì khá nổi tiếng với bài thuốc nam gia truyền chữa bệnh về khớp 

Ở tuổi 72 nhưng nom vẫn rất tráng kiện, minh mẫn, ông lang Mường tự mình đi xe máy, vượt hơn 40 km tìm đến ông lang người Dao vì hâm mộ tay nghề của người bạn đồng nghiệp thuộc người dân tộc khác.

Ông Thân kể, vợ ông bị căn bệnh thấp khớp hành hạ nhiều năm, đau tới mức không đi nổi, thế mà chỉ sau 3 ngày dùng thuốc nam gia truyền của ông Dương Trung Thân, bà đỡ hẳn; chừng 10 ngày thì đi lại tốt và sau liệu trình 1 tháng, bà đi lại nhanh nhẹn bình thường như chưa từng có bệnh.

Người nọ mách người kia, giờ thì tháng đôi ba lần, ông Thân lại chạy xe lên nhà anh Thân lấy thuốc khớp cho anh em, bạn bè, xóm giềng chữa bệnh. Hai người thầy lang cứ thế duy trì mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết, cùng trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu khách hàng cho nhau đã 7 - 8 năm nay.

Thôn Hợp Sơn có 98% số hộ là người dân tộc Dao. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước vừa bước vào giai đoạn đổi mới đang còn gặp nhiều thiếu thốn, người Dao nơi đây bám chặt lấy cây ngô, cây sắn để đảm bảo an ninh lương thực. Các bài thuốc nam - chính là tri thức dân tộc chỉ được lưu truyền lặng lẽ để chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình.

Sau này, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phát triển sinh kế trên nền tảng tri thức dân tộc, người Dao thôn Hợp Sơn đã tìm cách biến các phương thuốc gia truyền trở thành nghề mới, không chỉ chữa bệnh cứu người mà  có thể tạo ra thu nhập cho đồng bào.

Đầu tiên, họ rủ nhau đi bán thuốc ở các chợ lân cận, ra chợ huyện, vào các hội chợ ở thành phố… Dần dần, thuốc nam gia truyền của người Dao Ba Vì được người bệnh khắp nơi biết đến tiếng tăm và ngày càng được tín nhiệm, ưa dùng.

Có một cái lạ là người Dao thôn Hợp Sơn không bắt mạch kê đơn như nhiều nhà thuốc Đông Nam dược khác. Người bệnh phải đi khám Tây y, xem bác sĩ chuẩn đoán mắc bệnh gì thì mới tìm gặp thầy thuốc người Dao để bốc thuốc điều trị theo phương thức bí truyền trong gia đình họ.

Thuốc nam của người Dao thôn Hợp Sơn về cơ bản theo quy trình chế biến thủ công. Đồng bào lên rừng hái thuốc về băm, thái nhỏ rồi phơi khô, phối trộn các vị trở thành bài thuốc trị bệnh. Người bệnh mua thuốc về đun uống thay nước hàng ngày hoặc ngâm tắm; một số loại thuốc được chế biến dưới dạng cao đặc để uống hoặc cao lỏng để xoa bóp ngoài da.

Giờ thì cả thôn Hợp Sơn đều làm nghề thuốc. Gia đình nào có phương thuốc bí truyền công hiệu thì theo nghề bốc thuốc trị bệnh. Gia đình nào không có phương thuốc thì hoặc vào rừng hái cây thuốc bán lại cho các gia đình bốc thuốc; hoặc đi làm thuê các khâu như trồng thuốc, băm, thái thuốc… kiếm tiền công 250.000đ/ngày.

Từ ngày phát triển nghề thuốc nam, cây sắn, cây ngô đã không còn được bà con theo đuổi nữa. Hoạ chăng họ có trồng chút ít chỉ để ăn quà vặt cải thiện. Ruộng, vườn giờ thành nơi trồng thuốc vì khai thác mãi trên rừng rồi cũng phải hết. Hơn nữa, bà con muốn nhân giống để bảo tồn nguồn gen quý trước nguy cơ biến mất khi nhà nhà, người người cùng khai thác.

Thôn Hợp Sơn nay đã được huyện Ba Vì công nhận là làng nghề thuốc nam truyền thống. Thu nhập bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, nguyên nhân là do thất học, thiếu kiến thức làm ăn; nhiều hộ thuộc diện khá, giàu. Trong thành quả này có vai trò đóng góp của Chi bộ thôn và vai trò của Bí thư Dương Trung Thân.

 Người Dao ở thôn Hợp Sơn chế biến thuốc nam từ cây dược liệu tự nhiên ở địa phương, bảo đảm vệ sinh an toàn và có dược tính cao trong chữa trị bệnh

Anh Dương Trung Thân cho biết, được bà nội truyền nghề và gắn bó với nghiệp làm thuốc nam trị bệnh cứu người đã gần 40 năm. Năm 1987, lấy vợ, tách ra ở riêng, như bao người Dao nơi đây, anh cũng trồng sắn. Trồng cả năm, sắn chỉ cho thu có một lần nên chẳng được bao nhiêu. Bà nội ngày càng già yếu, anh càng phải thường xuyên thay bà lên rừng hái thuốc. Thế rồi say mê, gắn bó và giờ đây anh đã phát triển được hàng chục bài thuốc chữa các bệnh về khớp, dạ dày, gan, tiểu đường, huyết áp, viêm xoang...

Được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn suốt hơn 20 năm nay, anh đã cùng các đảng viên trong chi bộ thống nhất ra nghị quyết và lãnh đạo đưa nghề thuốc nam trở thành nghề chính của thôn.

Nhớ lại những ngày đầu triển khai nghị quyết, anh cùng các đảng viên phải lặn lội tới từng hộ, động viên bà con chuyển hướng sang trồng cây thuốc, hướng dẫn những nhiều người cách nhận diện cây thuốc, cách chế biến sao cho sạch sẽ, an toàn.

Thuốc nam của người Dao Hợp Sơn được sắc thành nước uống hàng ngày cho người bệnh nên tiêu chí an toàn phải đặt lên hàng đầu. Anh và các đảng viên vận động bà con không dùng chất bảo quản, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, công bố đầy đủ thông tin trên bao gói…

Khi cây thuốc trên rừng ngày càng khan hiếm, Chi bộ đề xuất Đảng ủy và chính quyền xã mời cán bộ chuyên môn về hướng dẫn bà con kỹ thuật nhân giống, loại nào nên trồng bằng hạt, loại nào nên trồng bằng chiết cành để vừa rút ngắn thời gian cho thu hoạch tính từ lúc trồng, vừa kéo dài thời gian khai thác cây dược liệu…

Nay thì người Dao thôn Hợp Sơn đã trồng được 7 - 8 ha cây dược liệu để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc, đồng thời bảo tồn nguồn gen quý các loại cây dược liệu quý như xạ đen, huyết đằng, mộc thông, huyết dụ, địa đất…

Việc chủ động nguồn cung nguyên liệu tại chỗ giúp đồng bào không phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, kiểm soát được chất lượng dược liệu và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những yếu tố rất quan trọng để củng cố và phát triển danh tiếng thuốc nam Ba Vì.  

Bà Triệu Thị Bích, ở thôn Hợp Sơn cho biết, ngày trước, gia đình bà cũng chỉ làm nương, trồng sắn. Công việc rất nhọc nhằn mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Biết gia đình bà cũng có bài thuốc chữa bệnh xương khớp, tiểu đường, lá tắm cho phụ nữ hồi phục sức khỏe sau sinh, anh Thân đã động viên gia đình thôi trồng ngô, sắn, vay vốn ngân hàng mua máy móc để chuyển sang chế biến dược liệu.

Giờ thì gia đình nhỏ 5 người của bà Bích có 2 người đi làm công nhân, còn 3 người ở nhà gắn bó với nghề gia truyền, có thu nhập ổn định. 

Mừng nhất là anh Triệu Tiến Duy, sinh năm 1992, anh đã quyết định theo học nghề thuốc gia truyền từ mẹ. Dù học nghề rất vất vả vì chỉ nguyên bài thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh cũng đòi hỏi phải phối từ cả chục, cả trăm vị thuốc khác nhau, không phải một chốc một lát mà nhớ hết tên các nguyên liệu được, nhưng làm thuốc kiếm ra tiền hơn và nhàn hơn so với đi làm ăn xa, anh Duy nhận xét.

Vậy nên, ở thôn Hợp Sơn, hầu hết thanh niên chọn cách ở nhà giúp ông bà, bố mẹ làm thuốc. Đây quả thực là một thông tin rất tích cực, là một gợi ý cho các địa phương làm sao giải quyết được việc làm, thu nhập cho người dân theo yêu cầu “ly nông bất ly hương”, phát triển kinh tế trên nền khai thác, phát huy các tri thức truyền thống bản địa, để các tri thức đó không những được trao truyền từ đời này sang đời khác mà còn trở thành tài sản, là động lực để người dân tộc thiểu số tin yêu, muốn gắn bó với nghề của ông cha.

Chị Lăng Thị Tuất - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Vì, cũng là một lương y người Dao đánh giá rất cao những đóng góp của bà con thôn Hợp Sơn đối với sự phát triển nghề thuốc nam của xã Ba Vì, trong đó có vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn Hợp Sơn và cá nhân Bí thư Chi bộ Dương Trung Thân.

Thôn Hợp Sơn ngày càng khang trang nhờ người Dao nơi đây tập trung đẩy mạnh phát triển nghề thuốc nam truyền thống của dân tộc

Anh Thân không chỉ là một tấm gương tự mình phát triển kinh tế từ nghề thuốc nam gia truyền và dẫn dắt mọi người trong thôn làm theo cả về phát triển y lý và đạo đức nghề nghiệp.

Anh Thân cũng như các nhà thuốc ở đây đều coi đó là nghề làm phúc cứu người nên sẵn sàng chữa không lấy tiền đối với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Nghề thuốc nam cũng đã giúp địa phương giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội. Đó là tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Khi có việc làm, có thu nhập, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng cũng không ngừng được nâng cao. Mục tiêu xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc càng có cơ hội sớm trở thành hiện thực ở nơi núi rừng xa thẳm.

"Bằng chứng là từ năm 2018, xã đã thành lập “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” - nơi tránh trú cho những người phụ nữ khỏi bạo lực gia đình nhưng chưa từng một lần sử dụng, vì nơi đây không có bạo lực gia đình" - chị Tuất tươi cười cho biết.

Bên cạnh Vườn Quốc gia Ba Vì xanh thẳm, bản người Dao Hợp Sơn hiện lên với nhiều nếp nhà khang trang, hiện đại, vương vấn mùi thơm ngọt của dược liệu. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ; đồng bào thân thiện, cởi mở. Ẩn dưới không gian bình yên đó là mạch ngầm tri thức truyền thống của người Dao đang được phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục trở thành suối nguồn mát lành mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân nơi đây.

Dân tộc Dao hiện thuộc nhóm 32 dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn ở nước ta. Dân tộc Dao sở hữu nhiều tri thức truyền thống quý báu. Cách mà những người Dao ở Hợp Sơn biến tri thức truyền thống trở thành tài sản để vươn lên làm giàu là một kinh nghiệm quý cần được nhân rộng./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực